Tác giả - Tác phẩm

Trương Minh Hiếu và 'Cội' - một hồn thơ trữ tình nồng đượm

KIM CHUÔNG 23/11/2024 10:17

Từ năm 1979, khi mới mười ba tuổi, Trương Minh Hiếu (quê Thái Bình, hiện sinh sống và công tác ở Hải Phòng) đã là thành viên 'Các nhà văn Nhóm Búp', được mời về 'đào luyện' trong 'Lò luyện Văn chương' của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình.

bhd_truongminhhieu_1-c6ee78c132834b131b061d208ee0c21c.jpg
Bìa của tập thơ

Là học trò đặc biệt của các thầy là nhà văn danh tiếng như: Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu… cùng các nhà văn Thái Bình, trong khóa đào tạo, bồi dưỡng “Các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học” đầu tiên ở Thái Bình.

Nhưng “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Hiếu sớm tự thức điều này, để nén chặt thi ca vào một góc lòng, anh bước vào đời, làm một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Rồi làm kỹ sư hàn và công nghệ kim loại. Hiếu bươn chải với cuộc sống thường nhật. Hiếu vẫn cầm bút, nhưng nhằm vào báo. Tập trung “cày” đủ các kiểu tin, bài để in, để có nhuận bút, góp thêm tiền cùng vợ nuôi hai cô gái. Hiếu trở thành tác giả quen thuộc và uy tín trên Báo Pháp luật, Báo Công lý, Báo Hải Phòng cuối tuần, Báo Sinh viên... Hiếu có nhiều bài in trên các báo chí ở Trung ương, địa phương cùng các tập thơ và văn xuôi tuyển chọn.

Tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc là tất cả tâm tình, nó có từ nguồn chảy mát lành, trong xanh, da diết của một người cócon tim thi sĩ”. Thơ của cái đẹp. Thơ không nhuốm màu sầu đong, bi lụy. Thơ của cõi lòng luôn bám chặt lấy một tầng thiên nhiên, tầng cảm quan vũ trụ. Thơ ngỡ như, nếu không có thế giới khói sương trước mặt kia thì “không có ta”, không có những tâm tình này hiển hiện.

Ví như, khi Trương Minh Hiếu bắt gặp đông về trong cõi lòng se thắt: “Anh về làng luống mạ vẫn xanh nguyên/ Đất lật ải, dòng mương im con nước/ Bờ bãi hắt hiu vắng bóng người đi ngược/ Một vòm trời buốt lạnh trong tay”…

Bóng người đi ngược” “vòm trời buốt lạnh trong tay” là “cái nhìn”, “cái cảm” tinh tế và gợi. Rồi từ “cái nhìn” qua cảnh vật, qua trực giác, Trương Minh Hiếu đã khá tinh tế trong “cái nghe, cái nghĩ”. Hoặc có khi là cái tinh tế của sự nhập hòa cùng lúc, cùng đồng vọng trong những vòng xoáy đồng tâm, đồng hiện. Ví như, “Bãi chìm là bởi triều lên/ Người cô đơn bởi từng quên đợi chờ/ Ngoài khơi sóng tự bao giờ/ Đẩy con ốc biển vào bờ tìm đôi…”. Rồi: “Quả tim đập tiếng ngập ngừng/ Nửa lo giữ lại, nửa mừng chia hai/ Hững hờ tay chợt buông tay/ Ốc về với biển thôi ngày không em”… (Ngày không em).

Thơ Trương Minh Hiếu lấy cảm quan thiên nhiên, lấy cái “ngắm nhìn” làm khả năng trội vượt.

Ngắm nhìn để tiếp cận hiện thực. Ngắm nhìn để cảm. Ngắm nhìn để liên tưởng, suy tưởng. Cách đi này dễ tươi xanh, dễ rộng dài giọng điệu và sức vóc. Rõ ràng, ở tập thơ “Cội” không bài thơ nào, Trương Minh Hiếu không tựa vào cảm quan thiên nhiên, không bám lấy đất trời, nắng mưa, cỏ cây, hoa lá để đãi lọc và chưng cất hồn mình. Trương Minh Hiếu viết nhiều về quê hương, về bố mẹ, về vợ con, quê kiểng… Và cảm quan thiên nhiên đã làm nên thi pháp mà người viết lúc nào cũng bám chặt lấy nó, để khi thì tạo dựng nên những bức tranh mang nhiều sắc màu, sinh động. Hoặc tìm được cái hay ở những câu thơ tả thực, cái hay ở liên tưởng, suy tưởng trong sức gợi tâm linh. Đây là những câu thơ có được cái hay trong thảng thốt, trong cái nghĩ sâu xa, khi viết về người mẹ: “Mẹ như quả chín cành xa/ Như câu hát cuối bài ca cõi người/ Chờ khi mẹ ốm nằm rồi/ Mới về thăm mẹ bao lời như không… (Nhớ về thăm mẹ).

Hay câu thơ trực giác hay, khi viết về “Bố vợ”: “Ông kéo ghế, pha trà, hỏi chuyện triền miên / Rồi ngợi khen cả những điều tôi chưa có được”. Đặc biệt là bài thơ viết tặng con, kỷ niệm ngày sinh khi con tròn năm tuổi. Hay bài thơ “Nói với con ngày cưới” viết tặng cô con gái lớn: “Mỗi một ngày con sống hãy vì nhau/ Nắng sẽ xanh nồng nàn trên búp lá…”. Rồi: “Ngày lên xe hoa mới chỉ là ga xép/ Thổn thức rung ngân đón cung đường nối tiếp… “Là ngọt ngào con đã sống vì nhau …”.

Một nhất quán trong tập thơ “Cội” của Trương Minh Hiếu là thơ với lối mở từ “Ngoài ta” dẫn về “Phía trong ta”.

Cái “Ngoài ta” là hiện thực của “thế giới ta bà”. Là cảm quan thiên nhiên. Là trực giác. Còn “Hiện thực hoài nghi” có từ hồn ta đẻ ra. Có từ sự thăng hoa. Từ năng lượng của thi nhân cảm nhận và biến hóa. Tác giả ít khi tách mình đi bằng “Lối độc đạo - hồn mình”. Nhưng, Trương Minh Hiếu cũng có được không ít những câu thơ vững, thơ hay khi anh hướng thơ quay về “Hiện thực hoài nghi”, quay về nơi chiều sâu suy ngẫm.

Ví như:“Giữa bao la được mất/ Lấm lem trong kiếm tìm/Quẩn quanh dù gang tấc/ Anh có còn nguyên anh?... (San hô trắng). Hoặc, đây là bài thơ khá cô đọng, hoàn chỉnh và có được sức ám ảnh ở lối thơ chìm vào “Hiện thực hoài nghi”. Lối thơ chỉ nương tựa vào nơi hồn mình, lặng khuất: ''Lặng nhìn theo phía xa vời/ Quãng sông vắng bến, khung trời vắng mây / Mịt mờ cây với là cây/ Dối lòng tay, lại cầm tay của mình…”. Để rồi: “Cuốc đâu nhìn lại hóa gà/Là không ai đấy. Ta và không em”(Hai phía không là).

Có thơ in trên các báo, một số tuyển tập thơ, văn từ năm mười ba tuổi, hai lần giành được giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác văn học (từ những năm 1980 - 1982), với tập thơ “Cội” dường như Trương Minh Hiếu muốn gửi đi thông điệp “Cái cội, cái nguồn” dẫn tới bến bờ neo đậu này đều có từ gốc rễ, từ nền tảng, từ nguyên nhân và nhân duyên đậm sâu và dài dặc làm nên. Từ “CỘI NGUỒN” bến mở, bạn đọc thêm tin và mong chờ ở Trương Minh Hiếu, ở con đường trước mặt, ở thơ, với những mùa màng gặt hái lớn hơn và chín thơm hơn.

KIM CHUÔNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trương Minh Hiếu và 'Cội' - một hồn thơ trữ tình nồng đượm