Khoa học - Công nghệ

Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Hoài, quê Hải Dương nghiên cứu khoa học vì sự sống

NGỌC THỦY 12/02/2024 12:00

Là 1 trong 3 người xuất sắc được nhận Giải thưởng khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), quê Hải Dương có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học sự sống.

z4982415167917_41b3a560d8bf3176918cc1592c5a5493.jpg
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (đứng giữa) được nhận Giải thưởng khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023 (ảnh nhân vật cung cấp)

Bàn đạp thành công

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài sinh năm 1981, quê ở TP Hải Dương. Chị yêu thích môn sinh học, đam mê nghiên cứu về lĩnh vực y học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Ở Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, năm 1999, chị được chọn vào đội tuyển quốc gia thi Olympic sinh học quốc tế và được nhận bằng khen của Ban tổ chức.

Những thành tích nổi bật tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi đã giúp chị Hoài được tuyển thẳng vào đại học và tiếp tục thi đỗ vào chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chị từng đoạt giải ba nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên, chị ở lại trường làm trợ giảng và nghiên cứu sinh. Sau đó, chị sang Đức học tiến sĩ rồi lại sang vương quốc Bỉ tiếp tục nghiên cứu chuyên ngành vi sinh vật gây bệnh và đề kháng thuốc.

4982.jpg
Chị Hoài thường xuyên hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực (ảnh nhân vật cung cấp)

Theo chị Hoài, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh diễn ra phổ biến, gây nhiều ca tử vong, nếu không có sự can thiệp sớm, hậu quả của việc này sẽ rất nghiêm trọng. Các nghiên cứu của chị Hoài hướng đến chẩn đoán sớm kháng thuốc. Gần đây, chị hướng tới áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, là công nghệ mới, có độ chính xác, tái tập cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Nghiên cứu này thành công sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc phù hợp, qua đó sẽ hạn chế sự phát triển và lây lan tính kháng thuốc, giúp bảo vệ sức khỏe con người. Chị còn tích cực nghiên cứu về độc lực vi khuẩn, hợp chất kháng khuẩn và các liệu pháp thay thế kháng sinh.

Với đề xuất nghiên cứu phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, chính xác tình trạng kháng kháng sinh nhằm đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và làm giảm sự lây lan của chủng đa kháng, toàn kháng, chị Hoài đã được nhận Giải thưởng khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.

Cống hiến

Cũng với nghiên cứu khoa học, chị Hoài tích cực tham gia viết báo, sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Đến nay, chị đã có 73 bài báo, trong đó có 31 bài đăng trên các tạp chí quốc tế, còn lại là các tạp chí trong nước và ấn phẩm toàn văn trong các kỷ yếu hội nghị. Trong quá trình giảng dạy, chị Hoài đã hướng dẫn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ, giám sát 14 dự án nghiên cứu của sinh viên. Chị còn tham gia nhiều tổ chức, dự án về y học. Chị cũng dành thời gian đi giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước, tham gia thuyết trình tại nhiều hội nghị quốc tế chuyên ngành...

Đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống đời thường, bí quyết của chị Hoài là sắp xếp công việc hợp lý, nỗ lực hết mình trong từng việc làm và không nản trước những khó khăn, vất vả. Chị còn nhận được sự ủng hộ đắc lực từ phía gia đình, người thân.

z4982408015812_df05944dcbbf6d9814c807f7b6dad414.jpg
Chị Hoài giản dị trong cuộc sống đời thường (ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, chị Hoài cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với nghiên cứu khoa học và công tác giảng dạy. “Tôi tìm thấy niềm vui, say mê trong những công trình nghiên cứu bởi chúng mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống”, chị Hoài chia sẻ.

NGỌC THỦY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Hoài, quê Hải Dương nghiên cứu khoa học vì sự sống