Các nhà khoa học vừa phát hiện sông băng muối gần cực bắc sao Thủy, nâng cao khả năng hành tinh này có thể duy trì sự sống bí ẩn nào đó.
Bằng cách sử dụng các quan sát trước đây từ tàu thăm dò MESSENGER đã ngừng hoạt động của NASA, các nhà khoa học hành tinh vừa phát hiện sông băng muối trong các miệng núi lửa Raditladi và Eminescu của sao Thủy.
Không giống những con sông băng trôi điển hình mà chúng ta thường thấy trên Trái đất, sông băng muối giữ lại nhiều dòng muối, các hợp chất dễ bay hơi ở sâu bên dưới bề mặt Sao Thủy, chúng bao gồm nước, carbon dioxide và nitơ.
Sông băng muối này có thể được hình thành từ các vụ va chạm của tiểu hành tinh lên bề mặt sao Thủy, làm lộ ra nhiều chất bị mắc kẹt bên dưới bề mặt. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học phát hiện ra sông băng muối trong các miệng núi lửa.
Alexis Rodriguez, một nhà khoa học hành tinh tại Viện Khoa học Hành tinh Phi lợi nhuận (PSI) có trụ sở tại Arizona, cho biết: “Theo lý thuyết, các sông băng muối khó tồn tại trên Sao Thủy, vì nó ở gần Mặt trời hơn 2,5 lần so với Trái đất. Ở khoảng cách này, mọi thứ nóng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những dòng sông băng muối này lại bảo quản nhiều chất dễ bay hơi một cách bền vững trong hàng tỷ năm”.
"Suy nghĩ này khiến chúng ta phải suy ngẫm về khả năng, liệu các khu vực dưới bề mặt trên sao Thủy có thể thân thiện hơn bề mặt bên ngoài khắc nghiệt của nó hay không?", Alexis Rodriguez nói thêm.
Các nhà khoa học hành tinh tại Viện Khoa học Hành tinh Phi lợi nhuận (PSI) tin rằng, với các chất dễ bay hơi cần thiết cho sự sống, đặc biệt là nước bị mắc kẹt trong các sông băng muối, có khả năng sao Thủy có thể duy trì một sự sống bí ẩn nào đó dưới lòng đất được che chắn kỹ khỏi những tia Mặt trời. Những sông băng muối này có thể tạo ra điều kiện thích hợp cho sự sống, tương tự như một số môi trường khắc nghiệt trên Trái đất vẫn có vi sinh vật đặc thù phát triển mạnh.
Theo VTC News