Sau hơn một năm bùng nổ trên thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo thế giới sẽ phải sống chung với Covid-19 rất lâu nữa. Cho đến nay, nhiều quốc gia đã xây dựng và đang bắt đầu thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19. Tại nước ta, TP Hồ Chí Minh cũng đã tính đến phương án sống chung với dịch khi số ca nhiễm chưa có dấu hiệu suy giảm sau gần 1 tháng bùng phát dịch . Thực tế cho thấy khi dịch bệnh vẫn tồn tại trên thế giới thì các quốc gia đều không thể bảo đảm 100% tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm, các địa phương trong quốc gia cũng luôn có thể bị bùng phát dịch bệnh. Vì thế, chúng ta nên chuyển từ trạng thái “nín thở” chờ dịch qua để trở về cuộc sống bình thường như trước kia sang tâm thế sống chung với bệnh dịch một cách an toàn. Trạng thái “bình thường mới” cần được duy trì ở tất cả mọi nơi chứ không chỉ những địa phương từng có dịch và trong tất cả mọi thời điểm chứ không chỉ lúc vừa mới kết thúc các đợt giãn cách xã hội.
Xác định tinh thần sống chung với đại dịch không phải là buông xuôi, phó mặc cho sự hên xui theo kiểu “may nhờ, rủi chịu” mà mỗi người cần luôn nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế và các cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh vì nguy cơ lây nhiễm vẫn luôn tiềm ẩn và rình rập ở bất cứ nơi đâu. Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, tránh tụ tập không cần thiết... cần trở thành nếp sống mới của mỗi người dân. Sự cẩn trọng cần luôn được duy trì chứ không chỉ miễn cưỡng tuân thủ trong một khoảng thời gian nhất định. Hiện vẫn còn tồn tại một cách phổ biến tâm lý “xả hơi” sau những ngày giãn cách xã hội, khiến các hàng quán, các dịch vụ công cộng đông nghịt người đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, chúng ta cần hạn chế tới những nơi đông người khi không thật sự cần thiết, lựa chọn những thời điểm có thể giữ khoảng cách với những người xung quanh để sử dụng các dịch vụ.
Ở một trạng thái đối lập, nhiều người lại vì quá e ngại việc lây nhiễm virus gây bệnh nên hạn chế cả những hoạt động cấp thiết, gây ra những hậu quả lâu dài khác. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người chờ dịch bệnh tạm lắng mới cho con em đi tiêm vaccine phòng bệnh trong khi nhiều loại vaccine cần được tiêm đúng lịch thì mới có tác dụng phòng chống hiệu quả. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhiễm các bệnh đã có vaccine phòng bệnh như viêm màng não, thủy đậu, tay-chân-miệng... tăng cao hơn. Đó là hệ quả của việc số trẻ được tiêm vaccine đúng lịch giảm mạnh. Các chuyên gia y tế cảnh báo nếu tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine tiếp tục giảm mạnh thì nhiều dịch bệnh nguy hiểm sẽ bùng phát trong tương lai. Không chỉ hạn chế tiêm chủng, nhiều người bị bệnh cũng e ngại việc tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh khiến cho bệnh nặng thêm vì không được chữa trị kịp thời. Tâm lý sợ hãi, phòng tránh thái quá này cũng cần thay đổi. Những hoạt động cần thiết, cấp bách như tiêm chủng cho trẻ em, khám chữa bệnh cho người mắc bệnh không nên trì hoãn mà vẫn cần được thực hiện một cách cẩn trọng, tuân thủ các nguyên tắc phòng chống dịch.
Covid-19 có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn song con người sẽ dần kiểm soát được dịch bệnh bằng việc thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng chống, phát triển vaccine và thuốc điều trị. Để tiến tới tương lai đó càng nhanh càng tốt, mỗi người cần điều chỉnh lối sống, tâm lý phù hợp với trạng thái sống chung an toàn với đại dịch, góp phần cùng chính quyền, các cơ quan chức năng thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
THÁI HÒA