Sự cô đơn, lạc lõng có xu hướng ngày càng phổ biến ở giới trẻ khi 27% những người trẻ ở độ tuổi từ 19-29 được khảo sát nói rằng họ cảm thấy “rất cô đơn” hoặc “khá cô đơn” trong cuộc sống hiện tại.
Một cuộc khảo sát toàn cầu do Meta-Gallup thực hiện trên 142 quốc gia mới đây cho thấy có tới 24% người từ 15 tuổi trở lên cho biết họ cảm thấy “rất cô đơn” hoặc “khá cô đơn” khi trả lời câu hỏi “Bạn cảm thấy cô đơn đến mức nào?”
Kết quả cuộc khảo sát đưa ra tỷ lệ: cứ 4 người trưởng thành thì có gần 1 người cảm thấy “rất cô đơn” hoặc “khá cô đơn.”
Tỷ lệ người cảm thấy cô đơn cao nhất là thanh niên, với 27% những người trẻ ở độ tuổi từ 19-29. Tỷ lệ thấp nhất được tìm thấy ở người lớn tuổi. Chỉ có 17% người từ 65 tuổi trở lên cho biết họ thấy cô đơn.
Hơn 50% số người trung niên từ 45 tuổi trở lên cho biết họ không cảm thấy lạc lõng chút nào, trong khi phần lớn những người dưới 45 tuổi trả lời rằng họ cảm thấy có chút cô đơn đến rất cô đơn.
Cố vấn nghiên cứu cấp cao của Gallup, Ellyn Maese, chia sẻ: “Có nhiều nghiên cứu chỉ ra sự nguy hiểm của sự cô đơn và sự cô lập xã hội ở người lớn tuổi... Cuộc khảo sát này chính là một lời cảnh tỉnh rằng cô đơn không chỉ là vấn đề của tuổi già, mà là vấn đề có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi."
Maese cho biết giữa nam và nữ, mặc dù có rất ít hoặc không có sự khác biệt về mức độ cô đơn, nhưng tại một quốc gia vẫn có khoảng cách đáng kể theo cả hai hướng, tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa.
Theo cuộc khảo sát, 79 trong số 142 quốc gia có tỷ lệ cô đơn ở nữ cao hơn nam giới.
“Đại dịch cô đơn” đang bùng phát
Khoảng 1.000 người tại mỗi quốc gia (tương đương 77% dân số trưởng thành trên thế giới) được khảo sát, thông qua các cuộc gọi điện thoại cũng như khảo sát trực tiếp từ tháng 6/2022 đến tháng 2/2023.
Báo cáo của Tổng hội Y sỹ Mỹ (U.S. Surgeon General) hồi tháng 5 cho biết sự cô lập xã hội có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ bệnh tim, tiểu đường đến tình trạng suy giảm nhận thức…, thậm chí “có thể rút ngắn tuổi thọ tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.”
Nhà tâm lý học lâm sàng, Tiến sỹ Ami Rokach, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu học thuật thành phố Or Yehuda (Israel), ban đầu rất ngạc nhiên trước số lượng người có câu trả lời tích cực thấp đến như thế.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Rokach đang giảng dạy tại Khoa Tâm lý học tại Đại học York (Toronto, Canada), người đã có nhiều nghiên cứu về sự cô đơn tin rằng tỷ lệ người cảm thấy cô đơn trên toàn cầu thậm chí còn cao hơn con số được công bố, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
Tiến sỹ Rokach nói rằng những thanh niên đang trong giai đoạn chuyển tiếp để trở thành người trưởng thành gặp nhiều khó khăn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm “đời sống tình cảm hỗn loạn, sự không chắc chắn về nghề nghiệp” và “quá trình tự lập.”
Do đó, giới trẻ sẽ dễ bị rơi vào nỗi cô đơn hơn người lớn tuổi - những người từng trải có đầy đủ “bạn bè, gia đình và một cộng đồng quan tâm đến họ.”
Làm gì để chống lại sự cô đơn?
Trong số 49% người tham gia khảo sát cho biết họ không cảm thấy cô đơn thì hơn một nửa trả lời rằng họ vẫn cảm thấy có chút cô độc.
Cố vấn Maese cho rằng đây cũng là cơ hội để kiểm tra các mối liên hệ xã hội mà mọi người vẫn có động lực mạnh mẽ để thực hiện sau đại dịch COVID-19.
Tiến sỹ Rokach đang thực hiện một bài nghiên cứu đề cập đến các cách đối phó với sự cô đơn. Ông nhấn mạnh: “Mọi người cần hiểu rằng ở một mình không đồng nghĩa với cô đơn.”
Ông cho biết ngoài việc ở một mình giúp chúng ta “nạp năng lượng” thì việc ở bên cạnh những người xung quanh cũng giúp ta thoát khỏi sự cô độc.
Tiến sỹ nói thêm: “Kết bạn, tham gia các hoạt động tình nguyện hay dự các khóa học là vô cùng hữu ích. Đó là những nơi chúng ta có thể gặp gỡ mọi người, học cách sống với chính mình và tận hưởng nó.”
Tiến sỹ Olivia Remes, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), cho biết: “Con người cần kết nối xã hội để phát triển và việc được gắn kết với các mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ có thể bảo vệ sức khỏe khi chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống.”
Theo Tiến sỹ Remes, mạng xã hội thường được giới trẻ sử dụng như một công cụ để kết nối, tuy nhiên nó có thể “lợi bất cập hại” nếu người dùng tham gia vào quá trình “cuộn thụ động,” được mô tả là hành vi tiếp cận những bài đăng “hào nhoáng” của người khác trên mạng và so sánh chúng với thực tại bản thân.
Điều này sẽ khiến nhiều người càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong thế giới thực, có thể dẫn đến chứng trầm cảm, ngại giao tiếp, không tìm được sự kết nối cảm xúc và niềm vui trong đời sống thực tế.
Olivia Remes đã viết cuốn sách “The Instant Mood Fix” (Bí kíp chống tụt mood) chia sẻ những bí quyết tránh xa sự cô đơn, trong đó cô khuyên những người trẻ rằng nên tạo một thói quen trò chuyện với càng nhiều người càng tốt.
Cô nói: "Việc trò chuyện với những người ta gặp trong một ngày có thể mang lại kết quả bất ngờ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện tâm trạng và giúp bạn tránh được sự cô đơn trong cuộc sống”.
Theo Vietnam+