Phế tích Sinh Từ nằm lọt giữa 2 dãy núi Quy và Trán Rồng, cách đền Kiếp Bạc khoảng 800 m. Việc phục dựng di tích này mang nhiều giá trị và ý nghĩa quan trọng.
Khu vực nằm giữa 2 dãy núi Quy và Trán Rồng, cách đền Kiếp Bạc khoảng 800 m được xác định là vị trí Sinh Từ từng tồn tại xưa kia
Đại bản doanh Vạn Kiếp
Sinh Từ (còn gọi là Từ Cũ) nằm giữa thung lũng rộng khoảng 20.000 m2, thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh). Năm 1288, Trần Hưng Đạo được triều Trần ban thưởng Sinh Từ nhằm tri ân công lao vĩ đại của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược thế kỷ XIII.
"Sinh" có nghĩa là sống, "Từ" có nghĩa là đền. Sinh Từ là đền thờ dành cho người sống. Chỉ những người có công lao đặc biệt to lớn với đất nước như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mới được lập Sinh Từ. Sinh Từ nằm ở trung tâm phủ đệ Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo và bộ chỉ huy quân sự nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi: "Mùa thu, tháng 8, ngày 20 (năm Hưng Long thứ 8 - 1300), Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp được tặng Thái sư, Thượng phụ, Thượng quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Thánh Tông có soạn bài văn bia ở Sinh Từ (của Quốc Tuấn) ví ông với Thượng phụ ngày xưa". Sách "Thần tích Đức Thánh Trần" chép: "Ngài là một danh tướng đệ nhất nước Nam, được nhà vua cho lập ở Vạn Kiếp sinh từ thờ Ngài khi còn sống và để kỷ niệm công nghiệp to tát của Ngài".
Trải qua thời gian, Sinh Từ chỉ còn là phế tích. Năm 2000, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành thám sát 3 hố khai quật tại Sinh Từ với diện tích 23,3 m2. Kết quả đã tìm thấy dấu tích của kiến trúc với 3 cấp nền chênh nhau. Nền cao nhất là nền phía đông, tiếp đến là nền phía tây, thấp nhất là dấu vết nền chính giữa. Nền móng được chèn đá cuội vững chắc. Tại hố thám sát số 3 tìm thấy dấu vết một bờ kè chạy dài bảo vệ khu nền đã tìm được. Bờ kè sử dụng đá vôi và đá cuội xây xếp tạo thành dải vững chắc. Vị trí của Sinh Từ được xây trên nền đất bằng, nổi ở cuối sông Vang. Di tích Sinh Từ như một ốc đảo, bờ kè được xây dựng với chức năng là ngăn nước sông Vang khi gặp mưa lũ, bảo vệ các công trình kiến trúc không bị sạt lở. Ngoài dấu tích kiến trúc, hiện vật thu được là 21 đoạn ống dẫn nước hình trụ tròn bằng gốm nung già có đường kính 20 cm, nhiều di vật đồ gốm, đất nung, mảng thóc cháy... Các nhà nghiên cứu cho rằng việc phát hiện ra bờ kè, dấu tích nền bếp, đường ống thoát nước ở nền giữa di tích Từ Cũ chứng tỏ sự tồn tại lớp kiến trúc, cư trú cổ mà theo truyền thuyết còn lưu truyền trong nhân dân là phủ đệ của Trần Hưng Đạo thời kỳ đầu sống và lãnh đạo kháng chiến chống quân Nguyên tại đây.
Mở rộng không gian du lịch
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa quan trọng, di tích Sinh Từ đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18.6.2010.
Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng việc phục dựng di tích Sinh Từ là rất cần thiết, góp phần mở rộng không gian khu di tích Vạn Kiếp. Nhân dân, du khách mỗi khi về tham quan, chiêm bái sẽ được tìm hiểu về Sinh Từ, hiểu hơn những chiến công vĩ đại, sự ghi nhận của triều đình, của đất nước với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đây là việc làm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao vĩ đại của ngài.
Trên cơ sở ghi chép văn bia, thư tịch và khảo sát thực địa, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã lập dự án khôi phục di tích Sinh Từ tại khu di tích Kiếp Bạc. Sau khi hoàn thiện sẽ báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh phương án phục hồi di tích Sinh Từ. Kinh phí xây dựng công trình sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Việc phục dựng di tích Sinh Từ hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần mở rộng không gian di tích, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.
TIẾN MẠNH
Những năm gần đây, một số công trình tại quần thể di tích Kiếp Bạc đã được đầu tư tôn tạo như đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, đền Kiếp Bạc. Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần tiếp tục phục dựng nhiều di tích khác như Sinh Từ, nghè Bà Hàng Cơm, hành cung, xưởng Thuyền, hố Thóc, hang Tiền... Đây đều là những địa danh liên quan đến đại bản doanh của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên. |