Đất và người xứ Đông

Thành Đông qua thư tịch cổ

THƠM QUANG 14/04/2024 15:00

Trải qua hơn 200 năm tạo dựng, nhờ những trang thư tịch cổ chúng ta có thể hiểu thêm về những giá trị lịch sử của Thành Đông xưa.

00:00

hinh-1.-ban-do-thanh-co-hai-duong.jpeg
Bản đồ Hải Dương năm 1925, trong đó có vẽ bản đồ thành cổ Hải Dương (hình lục giác). Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Thành tỉnh Hải Dương (hay còn gọi là Thành Đông) là toà thành cổ được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Đây vừa là một trung tâm hành chính của vùng, vừa là công trình quân sự quy mô và kiên cố. Trải qua hơn 200 năm tạo dựng, Thành Đông xưa đã không còn nữa, nhưng qua những trang thông tin di sản mộc bản, chúng ta có thể hiểu thêm về cách thức thiết lập, quy hoạch của triều Nguyễn trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng lãnh thổ.

Sở dĩ gọi thành tỉnh Hải Dương là Thành Đông vì tỉnh Hải Dương còn có tên khác là tỉnh Đông. Vì vậy tên thành còn được gọi là thành trấn của xứ Đông (gọi tắt là Thành Đông) để phân biệt với xứ Đoài. Về thành tỉnh Hải Dương, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 17, mục thành trì tỉnh Hải Dương có ghi lại rằng: “Thành tỉnh Hải Dương: ...Ở địa phận các xã Hàm Giang, Hàm Thượng và Bình Lao huyện Cẩm Giàng. Đời Lê Quang Thuận, lị sở của trấn ở xã Mặc Đông (tục gọi Dinh Lệ), huyện Chí Linh, sau dời đến xã Mao Điền (tục gọi là Dinh Dậu), huyện Cẩm Giàng…”.

Tuy nhiên, đến tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đã cho dời đến xã Hàm Giang.

Dưới thời vua Gia Long, thành tỉnh Hải Dương được đắp bằng đất. Trải qua thời gian, khi thấy thành đất Hải Dương bị hư hại nhiều, quan Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất đã tâu lên vua rằng: “Thành của hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương phần nhiều bị sạt lở, xin nhân vào thời gạo kém, thuê dân để xây đắp”. Được sự đồng ý của vua Minh Mạng, mùa thu năm Giáp Thân (1824), thành Hải Dương được xây dựng lại bằng đá ong.

Vị trí và quy mô của thành tỉnh Hải Dương được ghi chép trong các bộ sách lịch sử và địa lý của triều Nguyễn. Tất cả đều biên chép thống nhất vị trí của thành là ở trấn Hàm. Tuy nhiên, về quy mô thì có sự ghi chép khác nhau. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 38 ghi rằng: “Thành tỉnh Hải Dương ở huyện Cẩm Giàng, phủ Bình Giang chu vi 582 trượng 5 thước 4 tấc, cao 1 trượng 1 thước 4 tấc, xây bằng đá ong, bốn cửa, một kỳ đài, hào rộng 7 trượng 2 thước 5 tấc”. Còn trong sách Đại Nam nhất thống chí thì chép: “Thành tỉnh Hải Dương: chu vi 551 trượng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc. Thân thành có 6 góc, mở 4 cửa, hào rộng 11 trượng, sâu 6 thước”.

Mặc dù có sự ghi chép khác nhau như vậy, nhưng với cấu trúc này, có thể thấy, thành tỉnh Hải Dương được xây theo lối kiến trúc thành trì của Việt Nam là xây dựng theo kiến trúc Vauban, bao gồm thành nội và thành ngoại.

Đến năm Đinh Mão 1867, vua Tự Đức còn cho xây thêm thành Dương Mã ở các cửa.

hinh-3.-q-209-mk-38.jpg
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 38 ghi chép về quy mô của thành tỉnh Hải Dương dưới triều Nguyễn (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Mặc dù thành tỉnh Hải Dương được xem là một trong những toà thành được xây dựng kiên cố, có tường cao, hào sâu là vậy nhưng trải qua thời gian, thành bị hư hại nhiều. Năm Nhâm Ngọ 1882, sau khi thành Hà Nội bị thất thủ, quân Pháp từng bước đánh chiếm phía Bắc. Đến tháng 2 năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đã đánh phá một góc nam thành Đông.

Năm Kỷ Sửu 1889, nhiều đoạn tường thành tỉnh Hải Dương đã bị thực dân Pháp phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy rượu và vài tòa dinh thự của người Pháp. Thời gian 1946-1954, do chiến sự ác liệt, phần lớn di tích còn lại của thành cũng bị hư hỏng nặng.

Qua thư tịch cổ, thành tỉnh Hải Dương không chỉ được biết đến là công trình được quy hoạch cụ thể và có kiến trúc đặc biệt. Dưới triều Nguyễn, thành tỉnh Hải Dương còn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quân sự, chính trị không chỉ riêng với tỉnh Hải Dương mà còn nằm trong tuyến phòng thủ của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là với kinh thành Thăng Long.

THƠM QUANG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành Đông qua thư tịch cổ