Đất và người xứ Đông

Cò về Cồn Kiếm (Chí Linh) làm tổ, sinh sôi

TIẾN MẠNH 04/05/2024 09:13

Một đàn cò đã về trú ngụ, sinh sôi ở Cồn Kiếm - một trong những điểm thuộc khu di tích Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương). Ước tính, đàn cò hiện có khoảng 2.000 con.


Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo (Chí Linh), từ trước đến nay, chưa bao giờ Cồn Kiếm lại xuất hiện một đàn cò lên tới hàng nghìn con như hiện tại.

Với người dân địa phương, việc đàn cò chọn nơi đất thiêng làm tổ là một hiện tượng đặc biệt, một điềm lành và cũng cho thấy môi trường sống ở đây rất cân bằng, an lành.

img_8429.jpg
Đàn cò về Cồn Kiếm làm tổ, sinh sôi tạo nên khung cảnh thiên nhiên thơ mộng cho vùng đất Dược Sơn

Ban đầu khi mới về đây làm tổ, đàn cò chỉ có vài trăm con. Một số đối tượng tìm đến Cồn Kiếm định săn bắn nhưng bị chính quyền và người dân địa phương kịp thời ngăn chặn. Thôn Dược Sơn giao cho khu dân cư Cửa Chùa thành lập đội tự quản, cắm biển cấm săn bắn, ngày đêm thay nhau trông nom, bảo vệ đàn cò.

img_8445.jpg
Cây cối, dây leo trên Cồn Kiếm phát triển tạo thành nơi trú ngụ lý tưởng cho đàn cò sinh sôi, phát triển

Các loại cây xanh, dây leo trên Cồn Kiếm phát triển rậm rạp, xanh tốt tạo điều kiện thuận lợi để đàn cò làm tổ, sinh sôi. Ước tính đàn cò ở Cồn Kiếm hiện có khoảng 2.000 con.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đàn cò tụ về Cồn Kiếm khoảng 5 năm trước. Đây là loài cò trắng, một trong những loài chim phổ biến tại Việt Nam, sống trong môi trường đầm lầy và vùng đất ngập nước. Cồn Kiếm nằm giữa sông Thương (còn gọi là Lục Đầu Giang) nên phù hợp với môi trường sinh trưởng, phát triển của đàn cò.

img_0662.jpg
Biển cấm săn bắn cò được người dân thôn Dược Sơn cắm tại hai đầu Cồn Kiếm

Một người làm nghề chài lưới tại khu vực Cồn Kiếm cho biết đàn cò gần gũi với con người nơi đây, không "nhát" như những loài chim tự nhiên khác. Người dân rất vui vì đàn cò tạo nên khung cảnh thiên nhiên hữu tình cho vùng đất này.

img_8458-2.jpg
Cồn Kiếm là một doi cát nằm giữa sông Thương, cách cửa đền Kiếp Bạc không xa

Ngoài Cồn Kiếm, từ lâu Hải Dương còn nổi tiếng với khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) với khoảng 20.000 con cò, vạc trú ngụ.

Cồn Kiếm là doi cát dài khoảng 200 m, nổi giữa dòng Lục Đầu Giang. Đây là một trong 26 điểm di tích thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tương truyền đây là nơi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để lại thanh kiếm thần đã giúp ông và tướng sĩ nhà Trần đánh bại quân Nguyên - Mông.

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cò về Cồn Kiếm (Chí Linh) làm tổ, sinh sôi