Một số bạn hỏi tôi: Con người có số phận không? Tôi trả lời là có.
Tôi không quên bộ phim Xô viết nổi tiếng "Số phận con người". Tuy nhiên, thái độ của mỗi người với số phận là hoàn toàn khác nhau. Có người cam chịu, có người oán trách, có người can trường vượt lên hoàn cảnh. Có người mặc cho đời mình trượt theo sa ngã, theo con đường làm giàu bất chính, kết quả đổi lấy tù đày, mọi người xa lánh, có khi còn nhận án tử hình chua xót.
Tôi mới nhờ đạo diễn Diệp Chi chuyển cho cháu Bảo Khanh một cuốn sách mới của tôi, vì xem chương trình "Điều ước thứ bảy" tôi thấy quá yêu quý và khâm phục cháu. Bảo Khanh mới 12 tuổi nhưng đầy nghị lực. Cháu nói mình "chỉ có một cánh tay rưỡi". Sinh ra với cánh tay phải chỉ còn chưa đến khuỷu tay, Khanh gọi đó là "xúc xích" và thích thú chơi với cái "xúc xích" ấy. Biết bao khó khăn đối với một đứa bé không có tay phải. Vậy mà cùng với tình yêu thương của gia đình, cô bé đã làm nên những kỳ tích khó lòng hiểu nổi. Cháu đánh piano, chơi bóng rổ, tập vẽ, viết rất đẹp và viết một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Tôi rất vui khi thấy có cơ quan nhận biên tập để xuất bản cuốn tiểu thuyết đáng quý của em. Chắc tôi sẽ mua nhiều cuốn để tặng cho các cháu khác.
Tôi lại nhớ đến một cháu bé khác mà tôi từng kêu gọi hỗ trợ. Đó là cháu Lê Thị Thắm ở thôn Đồng Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa. Bảo Khanh có một cánh tay rưỡi nhưng Thắm ra đời không có cả hai cánh tay. Vậy mà người khác làm được việc gì thì Thắm làm được cái nấy. Tôi ngạc nhiên không chỉ thấy Thắm lo liệu được mọi việc cho mình như chải đầu, ăn uống, tắm giặt mà còn làm được những điều mà ít người làm được. Đó là dùng chân xâu kim chỉ và thêu thùa rất đẹp. Thắm đã giành giải chữ đẹp cấp tỉnh và đã đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh của Đại học Hồng Đức. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận người khuyết tật vào học ngành Sư phạm. Nhưng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh An đã đứng ra bảo lãnh cho em, vì trong đơn xin học Thắm viết: "chỉ mong tốt nghiệp để có thể về làng mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em quê mình".
Đấy, hai tấm gương vượt lên hoàn cảnh, trong khi biết bao thiếu niên lười nhác đã để số phận trượt dài vào bóng tối. Tôi lại còn quen một thanh niên có số phận nghiệt ngã hơn cả Khanh và Thắm. Đó là chàng trai Trần Hồng Giang ở xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Hưng, Nam Định. Lúc lên năm tuổi Giang bị người anh nghịch ngợm dùng súng của bố bắn vào cổ làm em liệt cả hai chân và hai tay. Giang chỉ còn nằm liệt trên giường. Tưởng chừng số phận cậu bé đã chấm hết từ đó. Nhưng với nghị lực phi thường, Giang đã quyết tâm học tập và không chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, cậu còn có bằng C tiếng Anh và học vi tính, chữa đồ điện tử. Không ai có thể tin chàng trai không dùng được cả tứ chi có thể sử dụng thành thạo vi tính chỉ bằng nửa chiếc đũa ngậm vào miệng và dùng má đẩy con chuột của máy tính. Giang đã làm được những điều mà những người lành lặn cũng khó lòng làm được. Giang đang quản lý hai trang web của giới văn nghệ Nam Định. Ngạc nhiên hơn nữa, Giang hiện là nhà thơ và nhà văn với nhiều tác phẩm xuất sắc. Tôi được Giang gửi tặng nhiều tập thơ, trường ca, thơ dịch và tiểu thuyết, truyện ngắn. Nhiều bài viết của Giang đã giành giải thưởng các cuộc thi quốc gia và địa phương.
Người ta thường nói: "Sống chết có số, phú quý do trời". Mọi sự may mắn hay tai họa, sống hay là chết đều đã được định sẵn, đều do số phận, ông trời an bài. Qua những con người có thật trên đây tôi đã gặp, ta thấy đâu có phải như vậy. Theo quan niệm của Phật giáo, căn nguyên của tai họa là ở chính ác niệm của bản thân, còn nguồn gốc của hạnh phúc nằm ở việc tu đức hành thiện.
Số phận không do một thế lực thần linh nào ban cho mỗi người mà thực chất do bản thân ta quyết định. Ngay cả sự nghiệt ngã ở những người khuyết tật, những người nghèo khổ, bất hạnh, nhưng nếu biết vượt lên số phận bằng quyết tâm thép thì mọi thứ đều có thể thay đổi. Cha mẹ hãy kể cho các con nghe về những người can trường như vậy, để những đứa con yêu quý biết rằng mình đang có biết bao thuận lợi trong cuộc sống, học hành. Nhẽ nào mình chịu thua quá xa so với các bạn khuyết tật kia?
NGUYỄN LÂN DŨNG