Trong khi ngày càng có nhiều nông dân bỏ ruộng thì ở huyện Thanh Miện có một số người lại đứng ra thuê ruộng để canh tác...
Mỗi năm, gia đình ông Mai Văn Từ thu lãi khoảng 400 triệu đồng từ trồng hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà lưới
Nghĩ khác
Tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng nhưng anh Vũ Văn Đại (sinh năm 1995, ở thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc, Thanh Miện) lại chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp. Năm 2018, anh Đại thuê 10 ha đất của 40 hộ dân trong thôn để trồng cây húng quế lấy tinh dầu. Ý tưởng này được nhen nhóm từ khi anh đang đi học, được người quen giới thiệu đến một công ty chuyên thu mua nông sản và chế biến tinh dầu ở Tuyên Quang. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Đại đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng này với gia đình. Ban đầu, mọi người đều phản đối vì không ai có kinh nghiệm trồng loại cây này và số vốn đầu tư ban đầu quá lớn. Nhưng sau khi nghe anh phân tích những tiềm năng, lợi thế mà cây húng quế mang lại thì gia đình dần chuyển sang ủng hộ.
Húng quế là cây trồng trên cạn nên anh Đại phải mất rất nhiều thời gian để cải tạo đất. Tổng số tiền anh dùng để thuê máy móc, nhân công, cải tạo đất hết gần 1 tỷ đồng. Theo anh Đại, húng quế dễ sống, đất trồng cần bảo đảm thoát nước tốt, đất nhỏ nhưng cần nhiều nắng thì hàm lượng tinh dầu mới cao.
Từ xưa đến nay, xã Ngô Quyền không có truyền thống trồng cây rau màu nên ngoài 2 vụ lúa, phần lớn diện tích đất đều bị bỏ không, rất lãng phí. Nhận thấy trồng hành, tỏi mang lại giá trị cao, ông Nguyễn Văn Mích ở thôn Văn Xá đã đưa loại cây này về trồng thử nghiệm. Đầu năm 2017, ông thuê lại 5 ha đất của các hộ dân trong thôn để trồng hành, tỏi.
Diện tích đất thuê đều ở khu đồng cao, thuận tiện cho việc trồng màu nhưng chưa phải là điều kiện lý tưởng để trồng hành, tỏi. Ông Mích phải mua mùn cưa, trấu để cải tạo đất, làm cho đất có độ tơi xốp hơn. Ông còn đầu tư 600 triệu đồng để mua máy cày, máy làm đất, làm luống, máy phun thuốc trừ sâu.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của gia đình ông Mai Văn Từ ở thôn Kim Trang Đông, xã Lam Sơn cũng là một trong những mô hình tích tụ ruộng đất hiệu quả. Trước đây, gia đình ông chỉ có vài sào ruộng nằm rải rác khắp cánh đồng của thôn. Sau khi xã dồn điền, đổi thửa, ông nhận toàn bộ diện tích đất trũng xấu nằm ở rìa đường để tiện cho việc sản xuất. Hiện gia đình ông có hơn 4.000 m2 nhà màng, nhà lưới trồng hoa cúc, hoa hồng và hoa lan giống.
Hiệu quả cao
Với 10 ha húng quế đã trồng, anh Đại phải thuê 20 lao động với tiền công 150.000 đồng/người/ngày. "Hiện tôi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Sơn nên rất yên tâm về đầu ra. Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa thì toàn bộ diện tích húng quế sẽ được thu hoạch. Chưa rõ hiệu quả cụ thể nhưng chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần so với trồng lúa”, anh Đại chia sẻ.
Cách làm này của gia đình ông Mích được chính quyền địa phương rất ủng hộ. Ngoài tuyên truyền, vận động các hộ dân cho thuê đất, xã còn tạo điều kiện về nguồn nước tưới cho cây trồng. Sau nhiều tháng cải tạo đất, vụ đông năm 2017, gia đình ông Mích trồng 5 ha hành, tỏi. Vừa trồng ông vừa học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất thực tế ở huyện Kinh Môn và qua sách báo. Năm đầu trồng thử nghiệm nên năng suất hành, tỏi chỉ đạt 4 tạ/sào, thấp hơn so với những vùng khác. Do trồng muộn nên giá hành, tỏi thấp hơn đầu vụ nhưng trừ toàn bộ chi phí, gia đình ông vẫn thu lãi 300 triệu đồng. "Hành, tỏi được thương lái tới thu mua tận nhà, đầu ra ổn định nên vụ tới tôi dự định mở rộng diện tích. Một số nông dân và cán bộ HTX đã đến nhà để hỏi kinh nghiệm trồng hành, tỏi của tôi", ông Mích nói.
Do được trồng trong nhà màng, nhà lưới nên toàn bộ cây cảnh giống của gia đình ông Từ có điều kiện phát triển tốt. Mỗi năm, ông nhận được hàng trăm đơn đặt hàng cung cấp hoa giống ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, trước đây, các hộ chỉ gieo cấy lúa nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi huyện thực hiện dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất để canh tác. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người đã mạnh dạn thuê đất với diện tích lớn để trồng rau màu, hoa, cây cảnh tập trung. Hiện toàn huyện đã tích tụ được hơn 100 ha đất nông nghiệp, đa số ở vùng trũng thấp. Sau khi được đầu tư cải tạo, diện tích đất này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần so với cấy lúa.
TRẦN HIỀN