Quy hoạch “treo” đến khi nào?

02/08/2022 07:01

Mới đây, báo Hải Dương đăng bài “Dân khu 5 khổ vì quy hoạch treo” đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.

Diện tích đất dành cho làm đường Bình Lâu để cỏ mọc hoang hóa nhiều năm

Đây không chỉ là nỗi niềm riêng của người dân khu 5, phường Tân Bình (TP Hải Dương) mà còn là trăn trở của nhiều hộ dân trong tỉnh khi cùng chung cảnh ngộ.
Quy hoạch đi trước mở đường song những thông tin trong bài viết cũng như những bình luận mà độc giả để lại trên Fanpage Báo Hải Dương đã phản ánh điều ngược lại. Quy hoạch có trước, đến sớm nhưng đang kéo lùi sự phát triển vì sự chậm trễ trong triển khai thực hiện. Có độc giả xót xa kể rằng khu mình sống được quy hoạch từ khi còn nhỏ, giờ đã 2 con mà vẫn còn bỏ ngỏ. Người dân đi không được, ở cũng chẳng xong, chỉ biết thấp thỏm đợi chờ đến lúc quy hoạch thành hiện thực. Dẫu biết quy hoạch là định hướng lâu dài, tính toán cho tương lai, song để “treo” dai dẳng 10 năm, 20 năm, có nơi gần 30 năm thì cần xem xét lại. 

Không ít nơi trong tỉnh, nhất là ở những đô thị, nhiều quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế-xã hội được xây dựng mang theo kỳ vọng của người dân về chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện, nâng cao. Thế nhưng, theo thời gian những quy hoạch này chỉ đem lại nỗi thất vọng và bó buộc người dân vì đã nằm trong quy hoạch thì phải giữ nguyên trạng, đất đai không được mua bán, trao đổi, công trình thì không sửa chữa, không xây dựng mới. Các hộ dân chỉ còn cách mòn mỏi chờ đợi...

Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay khiến một số người dân mất niềm tin, thậm chí bức xúc chính là quy hoạch công khai nhưng không rõ ràng, thiếu lộ trình thực hiện. Nhiều hộ chỉ vì 2 chữ quy hoạch đeo bám mà phải sống trong cảnh thiếu thốn, xập xệ ngay cả khi kinh tế không hề khó khăn. Trong khi đó, những thông tin về quy hoạch mà họ nắm bắt được rất ít ỏi nên lâu dần nảy sinh tâm lý tiêu cực, bất mãn.

Việc cần làm ngay lúc này là kiểm soát, quản lý thực hiện quy hoạch, không vì quy hoạch mà tạo áp lực, gánh nặng cho người dân. Trên thực tế, để quy hoạch thành hiện thực phải trải qua nhiều khâu. Từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết rồi giao mốc giới thực địa. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy không phù hợp có thể điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, có thể trên giấy tờ, bản vẽ nằm trong quy hoạch nhưng khi triển khai ngoài thực địa thì lại nằm ngoài. Vì thế, không thể áp đặt, trói buộc người dân bằng những quy hoạch chung chung mà cần có giải pháp cụ thể cho vùng quy hoạch. 

Quy hoạch “treo” gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân, song biện pháp xử lý những quy hoạch này vẫn là bài toán khó. Quy hoạch bỏ ngỏ nhiều năm, không chỉ gây lãng phí tài nguyên, bỏ lỡ cơ hội mà còn tạo dư luận xấu. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng lập quy hoạch cần chú trọng tới khâu giám sát thực hiện quy hoạch. Các quy hoạch phải có lộ trình, tiến độ thực hiện cụ thể, rõ ràng, thông tin công khai tới người dân. Bên cạnh đó phải quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu liên quan tới việc xây dựng và triển khai quy hoạch. Những quy hoạch chậm, muộn, không bảo đảm yêu cầu phải xử lý quyết liệt, triệt để, tránh để tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài. Ngoài ra, với quy hoạch tồn tại trên giấy nhiều năm, khó đưa vào thực tế cũng có thể cân nhắc phương án xoá quy hoạch, tạo cơ sở xây dựng quy hoạch mới phù hợp hơn. 

 HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch “treo” đến khi nào?