Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai.
Hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện Dự án khu công nghiệp Đại An mở rộng (giai đoạn 2) đang bị chậm tiến độ. Đến nay vẫn còn 36 trong tổng số 868 hộ dân ở xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Một số hộ dân cho rằng phần diện tích trước đây họ hiến để làm đường giao thông nội đồng, hệ thống mương máng, bờ ruộng khi thực hiện dồn điền, đổi thửa cũng cần được bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Công tác giải phóng mặt bằng chậm khiến không ít dự án, công trình chậm tiến độ. Ảnh minh họa
Xảy ra sự việc trên một phần do việc thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, điều chỉnh, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương chưa hoàn thành… Cẩm Đoài thực hiện dồn điền, đổi thửa sớm, từ năm 2003. Trong 19 năm qua, nếu những thủ tục pháp lý được thực hiện chặt chẽ, hoàn thiện thì công tác GPMB sẽ không có những khó khăn, phức tạp như hiện nay. Những vướng mắc phát sinh ở xã Cẩm Đoài cũng là khó khăn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, dẫn đến những lúng túng nhất định khi thực hiện thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB.
Những vướng mắc trong GPMB đã và đang là điểm nghẽn, cản trở lớn đến việc triển khai các công trình, dự án tại Hải Dương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với những nguyên nhân khách quan thì những nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý đất đai của chính quyền cơ sở cũng gây ra những khó khăn trong GPMB, nhất là khi xác định nguồn gốc đất, diện tích đất sử dụng, công trình xây dựng vi phạm... Điển hình như tại Dự án xây dựng khu dân cư phía bắc thị trấn Thanh Hà (giai đoạn 1). Một trong những nguyên nhân khiến công tác GPMB kéo dài, xảy ra việc người dân khiếu kiện vượt cấp là do chính quyền cơ sở để một số hộ ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) xây nhà ở trên đất nông nghiệp chuyển đổi giai đoạn 1998-2004. Sự việc trên không chỉ làm chậm tiến độ dự án mà còn tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại địa phương. Tại hội nghị tập huấn công tác đo đạc, bản đồ; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để GPMB khi Nhà nước thu hồi đất do UBND tỉnh tổ chức ngày 31.10 vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản cũng nhấn mạnh thực trạng công tác đo đạc, bản đồ và công tác GPMB trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác quản lý nhà nước về đất đai, đo đạc, hồ sơ địa chính còn nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy công tác quản lý, thực hiện pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, xây dựng ở cơ sở bị buông lỏng, sai phạm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, kéo dài. Nhiều vụ việc sai phạm rất khó xử lý, khắc phục hậu quả vì nằm ngoài phạm vi các quy định pháp luật hiện hành. Điển hình như việc 1 hộ dân “đổi đất” để xây dựng trụ sở Ban Quản lý cảnh quan Đảo Cò (Thanh Miện) nhưng 27 năm nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỗ ở mới mà báo Hải Dương mới phản ánh; việc chính quyền xã Tráng Liệt cũ (Bình Giang) giai đoạn 2011-2019 đã giao đất có thu tiền trái thẩm quyền 13 suất đất với tổng diện tích 1.500 m2 ở ngay khu vực trước cổng UBND xã…
Việc các công trình, dự án chậm được triển khai đầu tư, hoàn thành gây ra nhiều hệ lụy như giảm hiệu quả đầu tư, phát sinh thêm chi phí, bỏ lỡ những cơ hội thu hút đầu tư… ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc GPMB cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, xây dựng ngay từ cơ sở có vai trò rất quan trọng. Cùng với kỳ vọng sự thay đổi, hoàn thiện của pháp luật đất đai trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tổng rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, vi phạm đất đai, xây dựng tại địa bàn; song song với khắc phục các hạn chế, thiếu sót, vi phạm cũ thì cần kiên quyết ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh để tránh những hệ lụy về sau.
HOÀNG LONG