Bố mẹ qua đời không để lại di chúc dẫn đến tranh chấp giữa vợ chồng anh trai với người em khuyết tật ở Hải Dương. Vụ việc vừa được tòa án giải quyết.
Tranh chấp
Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hiệu (sinh năm 1966 ở huyện Ninh Giang) trình bày bố mẹ của bà đã mất từ lâu, không để lại di chúc và nghĩa vụ gì về tài sản cho các con. Bố mẹ của bà sinh được ba người con là ông Nguyễn Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thị Mai và bà Nguyễn Thị Hiệu.
Tài sản của bố mẹ để lại có thửa đất rộng 708 m2, trong đó có 300 m2 đất ở và diện tích đất trồng cây lâu năm ở huyện Ninh Giang. Thửa đất này đã được UBND huyện Ninh Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng năm 2002 mang tên Nguyễn Văn Nghĩa và vợ là bà Đinh Thị Khang. Hiện thửa đất đang do gia đình bà Khang quản lý sử dụng. Ông Nghĩa đã qua đời năm 2020.
Theo bà Hiệu, quá trình sử dụng, gia đình bà Khang đã tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sử dụng toàn bộ tài sản của bố mẹ. Bản thân nguyên đơn bà Hiệu là người khuyết tật, không có sức lao động, không có chỗ ăn, ở. Hằng tháng bà Hiệu vẫn hưởng tiền bảo trợ xã hội. Hiện nay, bà đang ở cùng nhà và được gia đình bà Khang chăm lo ăn ở, sinh hoạt. Tuy nhiên, bà Hiệu mong muốn và đã yêu cầu Tòa án giải quyết để gia đình bà Khang phải trả quyền sử dụng đất bố mẹ để lại cho bà và các chị em trong gia đình; đồng thời đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng bà Khang.
Còn bà Khang thì cho rằng vợ chồng bà đã được bố mẹ tặng cho khi còn sống, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng bà. Do vậy bà không nhất trí yêu cầu khởi kiện. Còn bà Mai thì không tranh chấp đất đai bố mẹ để lại và đã đồng ý cho tặng tài sản được thừa kế cho gia đình bà Khang.
Hòa giải thành
Do thời gian đã lâu, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã mất nên Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã gặp nhiều khó khăn khi xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ. Tòa án tiến hành mở phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung vụ án, quan hệ huyết thống, tình cảm gia đình, nhất là những mặt thuận lợi trong trường hợp các đương sự hòa giải thành.
Ngày 29/7/2024 các đương sự đã thống nhất thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, hòa giải thành công. Lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận và hòa giải thành các vấn đề có tranh chấp trong vụ án.
Ngày 5/8/2024 Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Đó là giao cho bà Hiệu được quyền sử dụng đất tại thửa số 186 với 61,3 m2 đất ở lâu dài, trị giá hơn 306 triệu đồng; 83,2 m2 đất cây lâu năm, sử dụng lâu dài, trị giá hơn 6,4 triệu đồng.
Bà Khang được nhận quyền sử dụng đất tại thửa 186 với 238 m2 đất ở trị giá gần 1,2 tỷ đồng; 325,5 m2 đất cây lâu năm trị giá hơn 24 triệu đồng. Các bên không phải trả chênh lệch cho nhau. Miễn án phí sơ thẩm dân sự đối với các đương sự.
Đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết khi hòa giải, qua phân tích cả lý lẫn tình của thẩm phán, các đương sự trong vụ án đều nhận thấy trách nhiệm của anh, chị em trong gia đình đối với người em là người khuyết tật, nhận thấy quyền lợi của mỗi người được hưởng theo quy định. Các bên đã thống nhất được tách một phần đất để người em là bà Nguyễn Thị Hiệu xây dựng nơi ăn, ở, sinh hoạt. Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định có hiệu lực pháp luật ngay. Như vậy, việc hòa giải thành công sẽ tránh mất thời gian của các đương sự, giữ gìn được sự đoàn kết trong gia đình các đương sự và an ninh trật tự tại địa phương.
Vụ việc trên tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc để lại di chúc thừa kế tài sản nhằm tránh tranh chấp, bất hòa giữa những người thân trong gia đình.
(Tên các nhân vật, địa chỉ trong vụ án đã được thay đổi)
THÀNH ĐẠT