Khoảng 70% nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai và chế độ chính sách.
Tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Hải Dương khai mạc sáng 9/12, UBND tỉnh sẽ báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024; phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Trong báo cáo gửi trước kỳ họp, UBND tỉnh Hải Dương xác định rõ: "Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thực hiện".
Theo đó, lịch tiếp công dân định kỳ hằng tháng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh được thông báo công khai. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm.
Công tác tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt.
Năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 7.030 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 3.359 lượt tiếp định kỳ và đột xuất của các lãnh đạo.
Năm 2024, số lượng đơn thư của công dân gửi đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh giảm 7,7%.
Nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân phần lớn liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, chế độ chính sách (chiếm khoảng 70%).
Tình hình công dân đến trụ sở tiếp công dân cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 1,6% so với năm 2023.
Năm 2024, các cấp, ngành trong tỉnh đã tiếp 76 đoàn đông người. Qua rà soát các đoàn đông người cho thấy, các vụ việc chủ yếu phát sinh từ những năm trước, đã được giải quyết nhưng công dân chưa nhất trí. Một số vụ việc mới phát sinh nhưng nổi cộm, phức tạp.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh nghiêm túc định kỳ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những vị trí công tác nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng...
UBND tỉnh Hải Dương bảo đảm việc công khai, dân chủ trong đào tạo, tuyển dụng, quản lý sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2024 đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 320 người.
Thông qua công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đã góp phần phòng ngừa tham nhũng, chống tư tưởng cục bộ, khép kín. Đồng thời, tạo điều kiện cho công chức, viên chức thích ứng với nhiều đối tượng quản lý, nhiều loại công việc nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức một cách toàn diện.
UBND tỉnh Hải Dương đánh giá công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn ở một số đơn vị vẫn có những vụ việc chưa chính xác. Việc giải quyết đơn thư của một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn chậm, chất lượng chưa cao dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở một số nơi chưa hiệu quả.
Năm 2025, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thủ trưởng các cấp, ngành thực hiện nghiêm việc tiếp công dân. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng, bầu cử và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày lễ, Tết...
Tập trung thực hiện giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026) của Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi và kiến nghị sửa đổi, bổ sung khắc phục những bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực...