Việc bảo đảm an toàn khi sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Trong khi nhiều người còn chưa kịp quên vụ một cháu bé Trường Tiểu học & THCS quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong sau 9 tiếng bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh hôm 6.8 thì ngày 13.9 lại có thêm 1 cháu bé 3 tuổi ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) bị bỏ quên trên ô tô đưa đón của cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí thuộc huyện này.
Các vụ việc xảy ra liên tiếp như một hồi chuông cảnh báo nhắc nhở ngành giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải các địa phương, các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh phải xem xét lại, siết chặt quản lý dịch vụ này.
Ở tỉnh ta, ngay sau vụ việc đáng tiếc nêu trên, trước khi bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô.
Không chỉ ngành giáo dục quan tâm vào cuộc mà ngay cả ngành giao thông vận tải, công an các địa phương cũng đã ra quân nhằm chấn chỉnh dịch vụ vận tải này.
Từ ngày 9-20.9, Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tổ chức kiểm tra dịch vụ xe đưa đón học sinh.
Tính đến ngày 17.9, các đơn vị đã phát hiện 15 ô tô đưa đón học sinh vi phạm về giao thông tại TP Hải Dương, TP Chí Linh, các huyện Nam Sách, Kinh Môn. Các lỗi vi phạm chủ yếu là xe không có phù hiệu, hết niên hạn sử dụng, không đăng kiểm...
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe ô tô đưa đón học sinh ngày càng tăng. Với những gia đình cha mẹ bận rộn thì dịch vụ này khá tiện ích.
Trước đây có một thời gian, xe đưa đón học sinh chủ yếu là xe tự chế, rất thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Xe tự chế bị cấm, người ta chuyển sang dùng ô tô.
Nhưng do quan niệm xe chỉ chở học sinh trong một hành trình không dài nên ngay cả chủ xe cũng như nhiều phụ huynh chưa chú trọng đến chất lượng xe. Không ít xe đưa đón học sinh đã cũ, hết niên hạn sử dụng.
Một số xe thậm chí còn được chủ xe tự ý cải tạo lại, tăng thêm ghế ngồi. Có xe, nhất là ở các huyện, hợp đồng đưa đón chỉ được giao kèo bằng miệng giữa chủ xe và phụ huynh chứ không có văn bản cụ thể...
Phần lớn các cháu học sinh không biết các kỹ năng để bảo đảm an toàn cho mình khi ngồi trên xe, không biết những kỹ năng thoát hiểm cần thiết. Vì thế có cháu ngồi sát cửa sổ xe còn thò tay, thậm chí thò cả đầu ra ngoài đùa nghịch vô cùng nguy hiểm...
Việc bảo đảm an toàn khi sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các trường cần tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho cả học sinh, giáo viên.
Trong đó lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp.
Hướng dẫn học sinh cách mở cửa xe, bấm còi gây sự chú ý cho người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng...
Các cơ sở giáo dục có dịch vụ xe đưa đón học sinh bằng ô tô phải lựa chọn đơn vị dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải; xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ vận tải trong đó nêu những yêu cầu cụ thể về bảo đảm an toàn giao thông, sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.
Các phụ huynh có nhu cầu sử dụng dịch vụ này nên đăng ký với nhà trường để trường đứng ra ký kết hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ này...
KIM THANH