Hiện tượng rụng lá trên cây hoa hồng vào mùa mưa là hiện tượng phổ biến do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân chủ yếu là do: mùa mưa, các cơn mưa liên tục, kéo dài, khiến không gian vườn hồng ẩm ướt, thân và bộ lá hồng ướt trong nhiều ngày liên tục, rất dễ bị các loại nấm bệnh xâm nhập, gây hại.
Có 2 yếu tố trực tiếp gây hiện tượng rụng lá:
- Cây hoa hồng dễ nhiễm bệnh đốm đen (Rose Black Spot), do thời gian mưa liên tục không kịp phát hiện và cũng không thể phun, xịt thuốc phòng ngừa.
- Do úng ngập lâu ngày.
Dù canh tác trong nhà màng nilon nhưng vẫn xảy ra hiện tượng rụng lá. Tuy rằng mức độ rụng lá sẽ giảm hơn so với không sử dụng, nguyên nhân do nhiều yếu tố cộng hưởng.
Để hạn chế hiện tượng rụng lá hoa hồng, cần chú ý chăm sóc vườn hồng như sau:
*Trước mùa mưa:
- Vườn, luống trồng hoa hồng phải có độ cao bảo đảm tiêu thoát nước tốt.
- Chuẩn bị vào mùa mưa, cần tiến hành xới vun. Bảo đảm đất ở gốc cây hoa hồng phải xốp, thoáng. Cần phun các loại thuốc diệt trừ nấm nhằm phòng ngừa các loại bệnh hại, trong đó có bệnh đốm đen.
- Tiến hành đốn, tỉa thân lá vào trước mùa mưa tạo sự thông thoáng cho bụi cây. Bón bổ sung phân bón tổng hợp chuyên dụng cho cây hoa hồng tạo sức sinh trưởng và sức đề kháng cho cây.
Cách bón phân cho hoa hồng vào mùa mưa:
Cách bón phân cho hoa hồng vào thời điểm này cũng rất quan trọng. Khi nước đang bị đọng trong chậu do thoát nươc chậm hoặc mưa quá nhiều mà chúng ta lại bón phân không hợp lý, dư lượng phân trong chậu kết hợp với hiện tượng đọng nước chính là cách nhanh nhất hạ gục cây hoa hồng của bạn. Nên thời điểm này, nếu thấy mưa quá nhiều mọi người nên giảm lượng phân bón định kỳ cho cây xuống một nửa hoặc một phần ba với mỗi lần tưới, cũng nên ngâm tan rồi mới tưới để cây có thể hấp thu dễ hơn. Mọi người nên theo dõi dự báo thời tiết để tiện cho kế hoạch bón phân cho hoa hồng, nếu thấy có dự báo mưa lớn hoặc mưa liên tục thì không nên bón, qua đợt mưa hãy bón. Đặc biệt lưu ý là khi vừa bón phân xong mọi người phải tưới qua nước luôn, tránh phân đọng lại trên cành lá trong quá trình tưới sẽ bị cháy lá ảnh hưởng rất lớn đến cây. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tình trạng sức khỏe của cây kết hợp với thời tiết để bón phân cho hợp lý trong mùa mưa này.
Sâu bệnh hại hoa hồng cần lưu ý mùa này:
Các cụ thường dặn là chỉ nên tưới nước cho cây vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, không nên tưới giữa trưa, vì sao vậy? Do giữa trưa là thời điểm nóng nhất trong ngày, nếu ta tưới nước sẽ tạo ra môi trường nóng ẩm, mà nóng ẩm chính là điều kiện thuận lợi để sinh sôi và phát triển các loại nấm bệnh. Tương tự như vậy, vào mùa mưa, khi vừa tạnh mưa xong lại có nắng to luôn nên rất dễ phát sinh nấm bệnh, sức khỏe của cây lại đang yếu nên dễ bị nhiễm nấm bệnh. Để chủ động phòng trừ mọi người nên để cây với mật độ thông thoáng, nhặt và tỉa lá vàng, cành khô, chết, bệnh… thường xuyên định kỳ. Ngay sau khi tạnh mưa, mặt đất bắt đầu khô ráo nên phun phòng các loại trị nấm, sâu bệnh để tránh cây bị nhiễm bệnh, mọi người có thể sử dụng thuốc A.v.tvil 5SC, hoặc Byphan 800WP (Man Xanh), Mekomil Gold 680WG… để phòng và trị các loại nấm hoặc TIKTOT 60EC, Bafutit 5WG…
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia