Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, chiều 4/9, các đơn vị trực thuộc sở cùng các cơ quan chức năng đã đưa 85 trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng về 3 cơ sở công lập trực thuộc sở.
Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12), chiều 4/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin vụ việc và có xử lý bước đầu.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đến 16 giờ ngày 4/9, các đơn vị trực thuộc sở cùng các cơ quan chức năng đã đưa 85 trẻ em về 3 cơ sở công lập trực thuộc sở, trong đó, 15 em được đưa về Cở sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em quận Gò Vấp; 36 trẻ về Làng thiếu nhi Thủ Đức và 34 trẻ em về Cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình.
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, vào thời điểm kiểm tra cơ sở này sáng 4/9, trong số 85 trẻ, thì dưới 12 tháng tuổi có 15 trẻ; từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi có 36 trẻ; từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi có 30 trẻ; từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi có 3 trẻ; đang điều trị tại bệnh viện 1 trẻ. Số nhân viên của mái ấm tại thời điểm làm việc có 16 người.
Theo bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh), hiện Tổ công tác của sở; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12, UBND phường Trung Mỹ Tây và một số cơ quan liên quan đang phối hợp kiểm tra thông tin và xác định nhu cầu trợ giúp của trẻ, thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Quyết định số 2017/QĐ-UBND ngày 8/6/2020 của UBND thành phố về “Ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, bảo đảm quá trình can thiệp hỗ trợ các trẻ đúng quy định của pháp luật đảm bảo quyền, lợi ích và sự phát triển tốt nhất của trẻ em.
Hiện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 đang rà soát quy định về điều kiện hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; đồng thời, tham mưu UBND quận 12 chỉ đạo Công an quận, UBND phường Trung Mỹ Tây và các cơ quan chức năng liên quan phối hợp xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Công an quận 12 làm việc với bà Giáp Thị Song Hương, chủ cơ sở, người nghi vấn có hành vi bạo hành trẻ và các nhân viên của cơ sở này.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, các cơ quan chức năng đang khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng.
Sở cũng đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cử Chi hội Luật sư phối hợp với các đơn vị quận 12 có kế hoạch bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và gia đình trẻ (nếu có); chỉ đạo các trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự và các nguồn lực khẩn trương tiếp nhận trẻ về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, việc bảo vệ trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt luôn được thành phố, các ngành, cấp quan tâm.
Các đơn vị, địa phương có nhiều chính sách nhằm góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em được sống, phát triển trong môi trường thật sự an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, đây là trường hợp “lọt lưới” ngoài ý muốn của các ngành chức năng dù đã được kiểm tra thường xuyên.
Do vậy, thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố sẽ trực tiếp tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, thường xuyên để tránh xảy ra những trường hợp tương tự.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 4/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Thị Diệu Thúy đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan khẩn trương làm rõ vụ việc.
Lãnh đạo UBND thành phố giao UBND quận 12 chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.
TP Hồ Chí Minh hiện có 79 cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dạy trẻ; trong đó có 16 cơ sở công lập và 63 cơ sở ngoài công lập.
Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận 12 cấp giấy phép hoạt động số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 có chức năng, nhiệm vụ: trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, sống lang thang.
Đối tượng phục vụ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng không quá 39 trẻ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương, sinh năm 1974, địa chỉ thường trú tại 94/1053D đường số 20, phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
VN (theo TTXVN)