Phim Việt e dè ra rạp sau dịch Covid, sợ bị “bom tấn” ngoại đè bẹp

11/05/2020 15:49

Dù các rạp đã bắt đầu mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, song các nhà sản xuất vẫn lo ngại khán giả đến rạp cầm chừng, hoặc loạt bom tấn ngoại sẽ lấn át phim nội.

Thăm dò thị trường bằng phim cũ

Sau khi rạp phim mở cửa trở lại từ 9.5, đã có 6 phim cũ và 1 phim mới của Việt Nam được trình chiếu, như là một cách thăm dò khán giả, nhất là trong bối cảnh phim Việt phải cạnh tranh với nhiều phim Hollywood, Châu Âu và Hàn Quốc đổ về sau thời gian bị ngưng chiếu do dịch Covid-19.


Phim Tháng năm rực rỡ chiếu lại ở các cụm rạp nhằm thăm dò khán giả

Những phim cũ gồm: Tháng năm rực rỡ (từng chiếu năm 2018), Gái già lắm chiêu (chiếu Tết Nguyên đán 2020), Anh trai yêu quái (từng chiếu 2019), Cô Ba Sài Gòn (từng chiếu 2017), Tấm Cám chuyện chưa kể (từng chiếu 2016),  Nắng 3: Lời hứa của cha (từng chiếu tháng 3.2020 thì bị ngưng do dịch Covid-19).

Chỉ duy nhất Truyền thuyết về Quán Tiên là phim mới khởi chiếu từ 22.5. Đây là phim mới của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, kể về số phận của 3 cô thanh niên xung phong trong chiến tranh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phim Truyền thuyết về Quán Tiên không thể ra rạp vào dịp lễ 30.4 như dự kiến. 


Phim mới duy nhất ra rạp trong tháng 5 - Truyền thuyết về Quán Tiên

Ngoài duy nhất Truyền thuyết về Quán Tiên sẽ ra mắt trong tháng 5 này, trong tháng 6 có Tôi là não cá vàng dự kiến chiếu ngày 5.6. Tiếp theo có các phim: Bằng chứng vô hình  của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra rạp ngày 10.7, Tà Năng Phan Dũng của đạo diễn Trần Hữu Tấn (16.10), Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử  của đạo diễn Võ Thanh Hòa ra rạp ngày 18.12.

Bằng chứng vô hình (CJ-HK sản xuất) là phim quảng bá rầm rộ nhất trong dịp này với dàn diễn viên gồm Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Ái Phương và kịch bản hình sự, giật gân. Phim làm lại từ phim gốc nổi tiếng Nhân chứng mù của Hàn Quốc.

Chấp nhận cạnh tranh mùa phim Tết 

Nắm bắt tâm lý khi rạp mở cửa lại, khán giả vẫn e dè đến xem bởi tâm lý phấp phỏng phòng dịch, nên nhiều nhà sản xuất muốn chắc ăn, tiếp tục dời phim Tết sang năm mới chiếu. Hơn nữa, trong thời gian qua, khán giả đã quen với các loại phim trên các nền tảng trực tuyến với nhiều phim chất lượng, nên đây cũng là yếu tố khó kéo họ đến rạp. 

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dời lịch công chiếu phim Trạng Tí  từ dịp lễ 30.4 xuống ngày 12.2.2021 (tức mùng 1 Tết Tân Sửu). Tương tự, Lật mặt: 48h (Lật mặt 5), phần mới của loạt phim chiếu dịp 30.4 hằng năm của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Lý Hải cũng đổi lịch sang chiếu Tết năm sau.


Phim Bằng chứng vô hình dự kiến ra rạp ngày 10.7

Bên cạnh đó, nhiều phim bị ngưng trệ do dịch Covid-19, đã không kịp sản xuất đúng tiến độ, nên tiếp tục dời lịch chiếu, thời gian công chiếu chỉ còn lại từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay và vắt qua mùa phim Tết 2021. Do đó, theo các nhà làm phim dự báo, cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nội bộ các phim Việt bị lùi lịch chiếu sẽ khá gay gắt, khi phải chia nhau thời điểm tốt để ra mắt trong năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó, nhiều đạo diễn, hãng sản xuất vẫn tiến hành giai đoạn tiền kỳ, chuẩn bị sâu hơn cho những dự án phim sắp quay khác. Các phim Chiến dịch chống ế (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư), 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) sẽ tiếp tục bấm máy sau thời gian giãn cách dịch Covid-19. 

Các dự án phim lớn như Trưng Vương, Kiều, Thanh Sói, Em và Trịnh, Nữ danh ca... cũng bắt đầu tái khởi động sau khi casting ròng rã nhiều tháng.

Doanh nghiệp điện ảnh mong muốn được hỗ trợ

NSND Việt Anh dự báo, sau dịch Covid, phim Việt ra rạp sẽ lỗ nặng. Nguyên nhân là do rạp phim ngưng hoạt động sớm, các đoàn làm phim thực hiện Chỉ thị 16 cũng đóng máy hàng loạt dự án… 

Nghệ sĩ nhấn mạnh: Sau mùa dịch, điện ảnh Việt phục hồi chậm hơn các lĩnh vực nghệ thuật khác. Chính vì thế, các nhà sản xuất rất cần các gói hỗ trợ ngay, nếu không sẽ bị tổn thất lớn bởi thị trường phim Việt khó mà cạnh tranh khi dòng phim "bom tấn" ứ đọng mùa dịch ồ ạt chiếu rạp.  


Phim Nắng 3 chiếu dở 2 tuần thì phải ngưng do dịch Covid, nay ra rạp trở lại nhưng khó có doanh thu tốt

Việc đóng cửa rạp phim sớm khiến ngành điện ảnh Việt không có bất kỳ nguồn thu nào nhưng vẫn phải thanh toán các chi phí cố định hằng tháng.

Chính vì thế, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, Hiệp hội đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, đồng thời hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân 2020, hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.

Theo Dân Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim Việt e dè ra rạp sau dịch Covid, sợ bị “bom tấn” ngoại đè bẹp