Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim Việt Nam khép lại với chiến thắng không bất ngờ của Tro tàn rực rỡ, Em và Trịnh, Những đứa trẻ trong sương...
Lúc 20 giờ tối 25/11, lễ bế mạc và trao giải của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (năm 2023) diễn ra tại Dalat Opera House, nhà hát ca vũ kịch đầu tiên của TP Đà Lạt với sức chứa 825 ghế.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 - đánh giá chung, liên hoan phim năm nay đem tới cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, hào hứng, ấn tượng đối với các nghệ sĩ điện ảnh và khán giả bởi đây là một kỳ liên hoan có số lượng phim tham dự nhiều nhất từ trước tới nay.
Về thể loại phim truyện - thể loại nhận được sự quan tâm của công chúng trong các kỳ liên hoan phim, ông Thành nói:
"Liên hoan năm nay có nhiều bộ phim truyện hay, chất lượng nghệ thuật được nâng cao, có nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tìm tòi độc đáo trong cách kể một câu chuyện.
Đội ngũ làm phim từ nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm nhạc, âm thanh và dựng phim ngày càng chuyên nghiệp".
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, 16 bộ phim truyện dự thi có nội dung và hình thức thể hiện đa dạng, phong phú.
Nhiều phim có nội dung tư tưởng tốt, nghệ thuật thể hiện lôi cuốn, hướng tới giá trị nhân văn thông qua hệ thống nhân vật; khai thác cái đẹp, sự nhân ái và đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam; cùng với bối cảnh, âm nhạc và âm thanh, tạo nên một tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Về thể loại phim tài liệu, "chất lượng phim khá đồng đều và hé mở phong cách làm phim mới tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh tài liệu thế giới, cho thấy triển vọng mới về hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực phim tài liệu, xuất hiện xu hướng sáng tác mới trong phim tài liệu", ông Thành nói.
Theo ông Vi Kiến Thành, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 thể hiện tinh thần vượt khó sau đại dịch COVID-19, quyết tâm mà ngành điện ảnh Việt Nam thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và thực hiện "Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Ông Thành cho rằng: "Liên hoan phim Việt Nam tiếp tục khẳng định là một sự kiện nghệ thuật quốc gia có dấu ấn chuyên nghiệp cao, thu hút được đông đảo các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ, với nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Bên lề đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam, NSND Đào Bá Sơn - trưởng ban giám khảo thể loại phim truyện - trao đổi, rất khó để nói về việc có một sự cân bằng giữa các phim đã ra rạp, hay các phim nhà nước chưa ra rạp.
Mỗi nhóm phim đáp ứng những tiêu chí riêng và đã và sẽ có những phần thưởng rất riêng, phù hợp với sự nỗ lực của cả đoàn.
Với phim phòng vé, phần thưởng lớn nhất là sự công nhận của đông đảo khán giả, doanh thu.
Với phim nghệ thuật, đó là sự đánh giá cao về hàm lượng nghệ thuật của giới chuyên môn. Ngay cả trên thế giới, đi tìm sự cân bằng trong việc trao giải thưởng cũng thực sự khó.
Có thể hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nhưng phòng vé lại không cho đó là những tín hiệu tốt và ngược lại. Ở Liên hoan phim Việt Nam, chúng tôi trao giải cho những phim có sự đột phá, có sức ảnh hưởng tạo nên sự phát triển cho điện ảnh trong thời gian tới"
NSND Đào Bá Sơn, Trưởng Ban giám khảo thể loại phim truyện Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23
Dự thảm đỏ lễ trao giải và bế mạc Liên hoan phim quốc gia lần thứ 23 có diễn viên Đinh Y Nhung (phim Mẹ ơi, Bướm đây), các diễn viên Thuận Nguyễn, Kaity Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Anh Dũng, Đinh Ngọc Diệp, đạo diễn Victor Vũ (phim Người vợ cuối cùng), đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (phim Em và Trịnh), đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bé Hạo Khang, Kiều Trinh, Hồng Ánh, Băng Di (phim Đất rừng phương Nam), ca sĩ Phương Thanh, diễn viên Nhan Phúc Vinh, hai diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling, Lê Công Hoàng (phim Tro tàn rực rỡ)...
Năm nay, Liên hoan phim Việt Nam có 91 phim dự thi, gồm 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình.
- Phim truyện điện ảnh:
Bông sen vàng: Tro tàn rực rỡ
Bông sen bạc: Em và Trịnh; Đào, phở và piano; Mẹ ơi, Bướm đây
Giải thưởng của ban giám khảo: Con Nhót mót chồng
Giải thưởng Phim được yêu thích nhất (do khán giả bình chọn): Siêu lừa gặp siêu lầy
Giải thưởng Cao nguyên hùng vĩ của UBND tỉnh Lâm Đồng dành cho phim bối cảnh được quay tại Lâm Đồng: Em và Trịnh
- Phim tài liệu:
Bông sen vàng: Những đứa trẻ trong sương
Bông sen bạc: Hai bàn tay, Trời Hà Nội mãi xanh - Bầu trời của hòa bình
Giải thưởng của ban giám khảo: Đường đến hòa bình và Người ơi đừng khóc cuối đường
- Phim khoa học:
Bông sen vàng: Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy
Bông sen bạc: Rác chìm
Giải thưởng của ban giám khảo: Đất ô nhiễm và Giải mã dấu vết vụ cháy
- Phim hoạt hình:
Bông sen vàng: Giấc mơ của con
Bông sen bạc: Nụ cười, Bà của Đỗ Đỏ
Giải thưởng của ban giám khảo: Cây ổi thiên đường và Nữ tướng Mê Linh
- Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc (phim truyện điện ảnh): Phim Cô gái đến từ quá khứ
- Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Đinh Y Nhung và Mai Cát Vi phim Mẹ ơi, Bướm đây
- Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh: Thái Hòa phim Con Nhót mót chồng
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Bùi Lan Hương phim Em và Trịnh
- Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh: Lê Công Hoàng phim Tro tàn rực rỡ
- Đạo diễn xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ)
Phim tài liệu: Hà Lệ Diễm (Những đứa trẻ trong sương)
Phim khoa học: Nguyễn Thu (Đất ô nhiễm)
Phim hoạt hình: Nguyễn Quang Trung (Nụ cười)
- Tác giả kịch bản xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Lưu Huỳnh (Mẹ ơi, Bướm đây)
Phim tài liệu: Đặng Thị Linh (Hai bàn tay)
Phim khoa học: Trịnh Quang Bách (Hố đen)
Phim hoạt hình: Nguyễn Quang Thiều (Cây ổi thiên đường)
- Quay phim xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Nguyễn K'Linh (Tro tàn rực rỡ) và Nguyễn Phan Linh Đan (Cô gái đến từ quá khứ)
Phim tài liệu: Nguyễn Thiên Định (Biển đói)
Phim khoa học: Vũ Trọng Quảng, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Bảo Khánh (phim Sinh tồn)
- Họa sĩ xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh (họa sĩ thiết kế xuất sắc): Họa sĩ Ghia Ci Fam (Người vợ cuối cùng)
Phim hoạt hình: Họa sĩ tạo hình: Bùi Mạnh Quang (Kỳ tích đầm Dạ Trạch); Họa sĩ diễn xuất: Nhóm họa sĩ phim Đại Hành hoàng đế.
- Âm nhạc xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Tôn Thất An (Tro tàn rực rỡ)
Phim hoạt hình: Lương Ngọc Châu (Sương mù)
- Đạo diễn phim đầu tay xuất sắc (phim truyện điện ảnh): Andy Nguyễn (phim Fanti)
- Âm thanh xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Vick Võ Hoàng (Em và Trịnh)
Phim tài liệu: Chu Đức Thắng và Đào Thị Hằng (Thép trong lòng biển sâu)
Phim khoa học: Dương Ngọc Hòa (Đàn đá - Báu vật cổ xưa)
Phim hoạt hình: Nguyễn Duy Long (Đại Hành hoàng đế)
Theo Tuổi trẻ