Nước thải trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm khoảng 80%), còn lại là nước thải công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng nước xả thải trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khoảng 82.308 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 18 % tổng lượng nước thải phát sinh trên toàn tuyến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải mà các tỉnh thượng nguồn (TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên) chảy vào.
Nước thải trên địa bàn tỉnh vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm khoảng 80%), còn lại là nước thải công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề và y tế.
Thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai rà soát các nguồn thải, kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở xả chất thải gây ô nhiễm vào nguồn nước. Các cơ quan chức năng đã cơ bản kiểm soát được các cơ sở có nguồn thải lớn xả trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Để khắc phục, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cùng với các giải pháp của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố ở thượng nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn đầu tư công. Ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, làng nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xem xét thu hồi các làng nghề không bảo đảm tiêu chí 20% số hộ làm nghề của làng theo quy định…
PV