Thời gian gần đây, độ mặn nước sông tại các cửa cống ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn (Hải Dương) ở mức cao, có những thời điểm vượt hơn 10 lần mức cho phép, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của những xã giáp cửa sông.
Có thời điểm độ mặn của nước đo tại cầu Quý Cao, huyện Tứ Kỳ vào ngày 9/3 vượt hơn 11 lần mức cho phép; tại Trạm Thủy văn Bá Nha huyện Thanh Hà ngày 8/3 vượt hơn 3 lần mức cho phép; tại cống Cầu Xe huyện Tứ Kỳ ngày 4/3 đã vượt hơn 9 lần mức cho phép. Dự báo tình trạng nhiễm mặn có thể kéo dài tại các vùng cửa cống gần ra phía biển nhất. Xã Vĩnh Lập là một trong 4 xã Khu Hà Đông, huyện Thanh Hà, là xã gần thành phố Hải Phòng nhất, chính vì vậy mức độ nhiễm mặn thường cao hơn so với các xã phía trong. Người dân ở đây cho biết những tháng gần đây là thời điểm ghi nhận nhiễm mặn nặng nhất. Có những khu vực độ mặn vượt gấp gần 10 lần mức cho phép.
Anh Phạm Văn Trọng, thôn Tú, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà đã nuôi ốc nhồi từ vài năm nay. Đợt nhiễm mặn vừa rồi do không chủ động điều tiết nguồn nước nên gia đình anh bị thiệt hại 4-5 tạ ốc bố mẹ. Để bảo vệ ốc nhồi nuôi tại gia đình, anh phải đào thêm 3 chiếc ao chứa nước trong vườn. Nước nhiễm mặn được anh cho lắng đọng ở mỗi ao từ 5-7 ngày rồi mới xả nước vào trong ao nuôi ốc nhồi. Khi thực hiện bằng cách này, số ốc bị chết do nước nhiễm mặn được hạn chế rất nhiều.
Tình trạng nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến nhiều người chăn nuôi trong xã mà còn gây thiếu nước sinh hoạt tại nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Quạt, thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà cho rằng thời điểm nước nhiễm mặn bắt đầu từ giữa năm 2023 đến đầu quý I năm 2024. Toàn bộ các hộ trong thôn cũng như gia đình ông đều không thể sử dụng nước trong ăn, uống vì quá mặn. Những hộ gia đình nào cấy lúa thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Gia đình ông đã phải sử dụng nguồn nước mưa tích trữ trong bể để sử dụng hằng ngày. Vào những thời điểm nước không bị nhiễm mặn ở ngoài sông, nhà máy nước bơm nước, các hộ gia đình phải sử dụng tất cả những vật dụng trong nhà để tích trữ nước máy dùng dần dần.
Trước tình trạng nước bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân trong xã, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Lập đã chủ động nắm thông tin về tình trạng nước nhiễm mặn. Khi có thông tin, Hợp tác xã sẽ chủ động đóng cống nước qua đê để nước mặn không vào khu nội đồng. Hợp tác xã cũng khuyến cáo các hộ gia đình chủ động tích trữ nước mưa để sử dụng.
Ông Phạm Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lập cho rằng, Vĩnh Lập là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nhất của tình trạng nước mặn xâm nhập. Nước mặn đã ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích trồng lúa, nguồn nước sinh hoạt của người dân. Xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện để chủ động đóng các cống thông giữa sông chính và sông nội đồng khi có thông báo nước nhiễm mặn. Xã cũng mong muốn chính quyền các cấp sớm có giải pháp thiết thực nhất để hạn chế tình trạng nước mặn xâm nhập, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Ngày 13/3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn tỉnh Hải Dương đã đề nghị các huyện và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 668/UBND-VP ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh về việc ứng phó với xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương chủ động quan trắc xâm nhập mặn, kiểm soát mặn khi vận hành hệ thống công trình thủy lợi. Các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà và thị xã Kinh Môn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi thường xuyên theo dõi tình trạng xâm nhập mặn; xác định các cống lấy nước có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động vận hành kiểm soát mặn, xây dựng phương án ứng phó với xâm nhập mặn.