Xúc tiến tiêu thụ cà rốt tại xã Đức Chính

10/01/2020 21:35

Thay vì xuất khẩu cà rốt tươi thông thường, Hải Dương cần nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm từ cà rốt như cà rốt baby, cà rốt hấp chín...


Quang cảnh hội nghị

Chiều 10.1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ cà rốt vụ đông 2019 - 2020 tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo HĐND tỉnh, đại diện một số sở, ngành của một số tỉnh, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, người sản xuất...

Tại hội nghị, các đơn vị sản xuất, tiêu thụ cà rốt và đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thay vì xuất khẩu cà rốt tươi thông thường, Hải Dương cần nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm từ cà rốt như cà rốt baby, cà rốt hấp chín, cà rốt cấp đông... để tiêu thụ, xuất khẩu. Tỉnh nên chú trọng mở rộng diện tích trồng cà rốt áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP để tiếp cận các thị trường khó tính. Đồng thời làm tốt việc kết nối thông tin về sản lượng, chất lượng cà rốt giữa các vùng, các địa phương, nhà sản xuất và tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà sản xuất, nhà nước, nhà khoa học và nhà tiêu thụ.


Các doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ hợp đồng tiêu thụ cà rốt cho huyện Cẩm Giàng

Cũng tại hội nghị này, các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ đã ký kết bản ghi nhớ hợp đồng tiêu thụ cà rốt vụ đông 2019 – 2020 cho huyện Cẩm Giàng.

Trước đó, các đại biểu và doanh nghiệp đã tham quan vùng sản xuất cà rốt tập trung của xã Đức Chính và cơ sở sơ chế, bảo quản cà rốt ở xã Cẩm Văn. Nhân dịp này, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (xã Cẩm Văn) cắt băng chào mừng chuyến cà rốt đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với tổng sản lượng hơn 500 tấn.


Các đại biểu tham quan vùng trồng cà rốt tập trung tại xã Đức Chính

Năm 2019, toàn tỉnh trồng 1.500 ha cà rốt, trong đó vụ đông trồng 1.200 ha, năng suất đạt 352 tạ/ha. Cà rốt được trồng chủ yếu tại các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Cà rốt tại Cẩm Giàng còn được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2008, cấp lại năm 2018, đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2017. Sản phẩm cà rốt tươi xã Đức Chính đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao năm 2019.


Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương cắt băng chào mừng chuyến cà rốt đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

Năm 2019, huyện Cẩm Giàng trồng 550 ha cà rốt, năng suất đạt 380 tạ/ha, sản lượng 20.000 tấn. Cà rốt của huyện chủ yếu được thu mua, vận chuyển về các doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn huyện để sơ chế, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,  Malaysia. Hiện nay có khoảng 20 doanh nghiệp, thương lái trực tiếp thu mua cà rốt ở Cẩm Giàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt, siêu thị Big C, Vinmart...

PHAN ANH

(0) Bình luận
Xúc tiến tiêu thụ cà rốt tại xã Đức Chính