Nông dân chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi

03/01/2019 11:04

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, trên địa bàn Hải Dương đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại kéo dài.


Nhiều hộ thắp điện sưởi ấm cho lợn

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, nông dân trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vì chủ quan không chống rét cho mạ nên mạ chết nhiều, phải gieo lại, làm chậm thời vụ nên năm nay, khi vừa nghe tin có đợt lạnh sâu sắp về, bà Phạm Thị Thoa ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) đã chuẩn bị chống rét cho mạ từ sớm. Đợt rét này kéo dài lại xảy ra khi mạ còn non, do vậy bà Thoa dùng nhiều biện pháp chống rét khác nhau. Không chỉ bón tro giữ ấm chân mạ, bà còn dùng nilon phủ kín toàn bộ diện tích mạ và điều tiết nước thường xuyên, đêm tháo nước ra, ngày lại đưa vào để mạ thích nghi. Bà Thoa cho biết: "Ruộng của gia đình chủ yếu là đồng trũng, chúng tôi buộc phải cấy mạ dược. Trong khi mạ dược phải gieo mất hơn 1 tháng nên khó tránh các đợt rét. Nếu nhiệt độ dưới 13 độ C kéo dài từ 5-7 ngày mà không được bảo vệ thì mạ sẽ bị chết rét".

Dù nuôi lợn trong hệ thống chuồng trại khép kín nhưng ông Trần Quang Sang ở xã Tân Dân (Chí Linh) vẫn không yên tâm mỗi khi có không khí lạnh. Trước những đợt rét, ông đều kiểm tra lại toàn bộ chuồng trại, kịp thời sửa chữa các vật dụng chống rét. Riêng khu vực dành cho lợn mẹ, lợn con, ông còn lắp đặt thêm đèn điện giữ ấm. Dù không phải gia cố, che chắn như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ song ông lo nhất là mất điện, không thể vận hành thiết bị. Vì vậy, ông đã mua thêm máy phát điện để hỗ trợ kịp thời. "Trong những ngày giá rét, ngoài các biện pháp giữ ấm, tôi còn điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, bổ sung vitamin, muối khoáng để tăng sức đề kháng cho đàn lợn ", ông Sang nói.

Rét đậm, rét hại cũng khiến các hộ nuôi cá lo lắng vì khi nhiệt độ dưới 15 độ C, cá sẽ ăn kém và dưới 12 độ C sẽ bỏ ăn. Để tránh thiệt hại lớn nếu rét kéo dài, người nuôi cá rất cẩn trọng từ việc chống rét đến chăm sóc. Theo anh Nguyễn Chính Lộc ở xã Tân Việt (Thanh Hà), những ngày rét vừa qua, anh đều giảm lượng thức ăn cho cá, không để thức ăn thừa làm ô nhiễm nguồn nước khiến cá nhiễm bệnh. Với ao nuôi trong đồng, anh Lộc phải bơm sục khí liên tục và che chắn nửa ao bằng bạt. Còn các lồng nuôi trên sông, vì dòng nước lưu thông nên không lo cá bị rét nhưng vẫn phải theo dõi thường xuyên.

Dù tích cực chống rét nhưng nếu không có biện pháp chăm sóc phù hợp sau rét để cây trồng, vật nuôi nhanh phục hồi thì khó bảo đảm năng suất, chất lượng. Theo kinh nghiệm nuôi cá hơn 10 năm của bà Nguyễn Thị Se ở xã An Đức (Ninh Giang), sau mỗi đợt rét, gió sẽ chuyển hướng đông nam, trời ấm hơn. Nhiều hộ chủ quan, nghĩ là hết rét không cần phải sục khí liên tục. Tuy nhiên, thời tiết đột ngột thay đổi, cá khó có thể thích nghi ngay. Có thể cá không chết trong đợt rét mà sẽ chết sau đợt rét. Vì vậy, người nuôi không được lơ là khi hết rét. Ngoài ra, phải cho cá ăn theo lượng tăng dần, không nên cho ăn ngay theo chế độ bình thường.

Toàn tỉnh đã gieo 600 ha mạ dược, tập trung ở các huyện Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Hiện mạ mới đạt từ 2-2,5 lá, rất nhạy cảm với thời tiết. Do vậy, khi đợt rét chấm dứt, không thể áp dụng ngay các kỹ thuật chăm sóc thông thường mà phải điều chỉnh để mạ quen dần với nền nhiệt cao. "Khi trời ấm lên, tôi không bỏ nilon che cho mạ ngay mà chỉ tháo ra vào tầm trưa và sẽ chăng lại lúc trời tối. Làm như vậy mạ sẽ không bị vàng lá, chậm phát triển", bà Thoa chia sẻ kinh nghiệm.

Với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sau mỗi đợt rét cần thường xuyên theo dõi biểu hiện của vật nuôi để phòng trừ dịch bệnh. Phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên diện rộng; không để vật nuôi nhiễm bệnh sau rét.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mỗi đợt rét, sở đều có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều đợt rét đậm, rét hại. Vì vậy, ngoài chỉ đạo của chính quyền, đơn vị chuyên môn, nông dân cũng cần theo sát diễn biến của thời tiết để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra,

 NGUYỄN MƠ

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 1, trên địa bàn Hải Dương có từ 3-5 đợt không khí lạnh, không khí lạnh tăng cường. Nửa cuối tháng có thể sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 9-11 độ C. Tổng lượng mưa phổ biến từ 30-50 mm.

(0) Bình luận
Nông dân chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi