Góc nhìn

Nỗi sợ cuối năm

KIM THANH 09/12/2023 07:30

Cuối năm, áp lực công việc quá căng, đám xá thì nhiều, đồng nghĩa với bệnh “viêm màng túi” nặng thêm.

dam-cuoi-khong-ruou-bia-2-1700-1249-2482-1700624889.jpg
Đám cưới không rượu bia là một cách giải áp lực cuối năm (ảnh minh hoạ)

Cô bạn đồng nghiệp của tôi đã phải thốt lên: “Ước gì 5 năm mới lại có một cuối năm”. Những người lao động tự do chắc sẽ thấy khó hiểu vì điều này nhưng với những người làm trong doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước thì hẳn sẽ đồng cảm.

Với những người làm trong khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Tết thì cuối năm đồng nghĩa với áp lực tăng ca để kịp những đơn hàng của đối tác, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Thay vì 8 tiếng như bình thường, thời gian làm việc của người lao động có thể tăng lên 10 tiếng, thậm chí là 12 tiếng/ngày. Thời gian làm việc nhiều và tần suất liên tục khiến không ít người lao động rơi vào tình trạng đuối sức.

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là các hoạt động trong Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia diễn ra từ đầu tháng 12 đến đầu tháng 1/2024, chuẩn bị cho các lễ hội… các doanh nghiệp, nhãn hàng đều đẩy mạnh nhận diện thương hiệu và tăng doanh thu nên áp lực với những người làm công việc sáng tạo nội dung quảng cáo, làm truyền thông… cũng gia tăng liên tục với yêu cầu rất cao. Còn nhân viên thị trường thì quay cuồng để thúc đẩy doanh số, hoàn thành định mức; làm các báo cáo tổng kết cũng như tổ chức các sự kiện tri ân hay tặng quà cho khách hàng… Khối lượng công việc tăng lên trong khi thời gian có hạn khiến nhân viên có thể bị căng thẳng. Dù biết thức khuya hoặc làm việc liên tục trong nhiều giờ rất có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người vẫn không thể đứng ngoài guồng quay tất bật. Bởi những ngày bận rộn này gần như quyết định đến 50-60% kết quả công việc trong cả năm của họ và ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng cuối năm.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cũng tương tự, rất nhiều đầu việc phải hoàn thành trong dịp cuối năm này, hết tổng kết về mặt chính quyền lại đến công tác Đảng. Rồi xây dựng chương trình, kế hoạch cho năm mới…

Căng thẳng tại nơi làm việc có thể gây ra các tác động về thể chất như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, đau dạ dày, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, lo lắng, cáu kỉnh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Hoặc các triệu chứng khác như mất tập trung, thiếu động lực, khó khăn trong quá trình suy nghĩ, mất trí nhớ và đưa ra quyết định kém hiệu quả…

Trong thời gian áp lực căng như dây đàn này, hẳn cán bộ, nhân viên cấp dưới rất mong một sự động viên kịp thời của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị hoặc hỗ trợ cấp dưới bằng cách phân công công việc hợp lý để kiểm soát lịch trình công việc, tránh sự “hỗn loạn”…

Ngoài áp lực công việc khiến không ít người tăng xông thì một nỗi sợ khác là vào mùa “viêm màng túi”. Bởi cuối năm là mùa của đám xá: nào cưới hỏi, đám sang cát, lên nhà mới… Mới đây trên mạng xã hội có một bài đăng thu hút khá nhiều bình luận của cư dân mạng là: Ngày toàn dân đi đám cưới. Nói vậy bởi dịp cuối tuần ấy đi đến đâu ở Hải Dương cũng có thể gặp rạp đám cưới. Nơi tôi sống chỉ là một con phố nhỏ mà cũng có tới 6 cái rạp đám cưới, nhà này chưa kịp dỡ rạp nhà khác đã lại bắc lên. Vui thì có vui nhưng nhiều người cũng lo ngay ngáy. Bởi nếu một tuần được mời dự tới 2-3 đám, thậm chí nhiều hơn thì tiền mừng sẽ trở thành gánh nặng.

Để chữa trị triệt để “bệnh” này thì khó vì mỗi người trưởng thành đều phải lo chuyện đối nội đối ngoại, nay người mai ta. Nhưng mọi “gánh nặng” sẽ nhẹ nhàng hơn nếu chúng ta chủ động lên kế hoạch, bố trí một quỹ dự phòng cho kế hoạch chi tiêu cuối năm.

Hãy tự động viên mình bởi dẫu áp lực, mệt mỏi hay lo lắng chúng ta vẫn phải vượt qua. Hãy cứ phấn chấn, lạc quan lên bởi phải có kết thúc mới có khởi đầu mới.

KIM THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi sợ cuối năm