Những ngày gần đây, trên các trang thông tin đại chúng, câu chuyện về túi nilon và đồ dùng bằng nhựa đã được nhiều người chú ý. Người thì khen dùng thấy tiện lợi.
Mỗi khi đi chợ, từ vài tấm đậu phụ đến quả cà chua, con cá, cân thịt, lạng tôm… đều được chủ hàng đựng trong túi nilon gọn gàng, sạch sẽ. Nhiều người vẫn còn băn khoăn nếu bây giờ bỏ túi nilon, bao bì nhựa thì lấy gì thay thế? Tiện ích như vậy tại sao cả thế giới phải đưa vấn đề rác thải, nhất là rác thải nhựa ra bàn và rung chuông báo động nguy hiểm?
Tình cờ tôi đọc được một thông tin đáng tin cậy, các nhà nghiên cứu cho rằng chất dẻo bình thường để sản xuất nhựa và túi nilon nếu phân hủy phải mất từ 500-1.000 năm. Thế nhưng sản xuất ra một sản phẩm như túi nilon chỉ cần thời gian khoảng 5 giây. Sản xuất nhanh mà giải quyết hậu quả thì lại rất chậm. Theo thống kê, hiện nay có 1/3 số túi nilon và các loại đồ dùng nhựa không được thu gom và xử lý, đang trôi nổi trên Trái đất. Điều đó có nghĩa Trái đất của chúng ta đang phải oằn mình “cõng” hàng tỷ tấn rác thải nguy hại ấy.
Không ai phủ nhận những tiện lợi mà túi nilon và đồ dùng nhựa mang lại nhưng hệ lụy của nó để lại thật khôn lường. Chúng đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe con người. Rác thải nhựa làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gián tiếp gây ra biến đổi khí hậu. Rác thải nhựa nằm dưới đáy đại dương, hủy hoại môi trường nước. Nó có thể xâm nhập cơ thể và tàn phá tế bào các loài thủy sản. Thế giới đã chứng kiến những vụ cá voi, cá mập chết từng đàn mà bên trong cơ thể chúng chứa đầy túi nilon.
Hẳn mọi người còn nhớ những năm 80 của thế kỷ 20 trở về trước, đồ nhựa và các bao bì nilon còn rất hiếm và xa lạ. Mỗi lần đi chợ, các bà nội trợ thường mang theo những chiếc rổ, rá hoặc thúng tre đan để đựng hàng hóa. Các loại hoa quả, cá, thịt… đều được đựng trong những dụng cụ như thế. Những chiếc bánh mua về làm quà cũng được người bán bọc trong lá chuối, sang hơn thì tờ giấy báo. Những loại bao gói tự nhiên dùng xong có thể quăng ra vườn, gốc cây, ít ngày sau đã phân hủy thành phân hữu cơ rất tốt cho đất.
Ở nước ta, từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Gần đây nhất, ngày 9.6 vừa qua, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi lời kêu gọi toàn xã hội chung tay chống rác thải nhựa. Các bộ, ngành, các địa phương đều có trách nhiệm thực hiện.
Ở tỉnh ta, tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cũng kêu gọi: "Nhà nhà hạn chế rác thải nhựa. Người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa. Xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa... Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh cơ bản không sử dụng đồ nhựa một lần".
Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 4.7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động phong trào "Chống rác thải nhựa". Trong các cuộc họp tổ chức tại trụ sở làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, các chai đựng nước bằng thủy tinh đã được sử dụng để thay thế chai nhựa.
Để phong trào này lan tỏa hơn nữa phải có sự hưởng ứng của nhiều thành phần trong xã hội. Cả cộng đồng cần chung tay trong phong trào chống ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, bao bì nilon. Cơ quan chức năng hãy kiên quyết nói không với việc nhập khẩu phế thải nhựa vào Việt Nam. Các cơ sở sản xuất phải có chiến lược để dần thay thế bao bì nhựa sang sử dụng các sản phẩm khác thay thế thân thiện hơn với môi trường. Mọi người dân phải có ý thức thu gom rác và phân loại rác để xử lý. Các cấp Hội Phụ nữ nhân rộng mô hình dùng làn đi chợ...
THIÊN GIA TRANG