Dù mới chớm hè nhưng những vụ đuối nước xảy ra liên tục đã cướp đi mạng sống của hàng chục em nhỏ, để lại nỗi đau quá lớn cho nhiều gia đình và xã hội.
Ngày 24.5, tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) xảy ra vụ đuối nước làm 2 cháu nhỏ trong một gia đình tử vong. Do đang trong mùa gặt, không có ai trông coi nên các cháu được bố mẹ dẫn ra đồng chơi. Mải mê làm việc, khi không thấy các con đâu, bố mẹ đổ đi tìm thì phát hiện hai cháu đã tử vong dưới một hồ nước gần đó. Trước đó ít ngày, chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra hai vụ đuối nước làm 4 em nhỏ từ 11 - 13 tuổi tử vong. Cũng trong ngày 24.5, ở xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng (Điện Biên) xảy ra vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 2 anh em trai trong cùng một gia đình. Trước đó, ngày 18.5, tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) xảy ra vụ đuối nước làm 3 cháu nhỏ tử vong, trong đó có 2 cháu là chị em ruột. Ngay ở Hải Dương, chiều 17.5 tại xã Thanh Lang (Thanh Hà) cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm cướp đi mạng sống của một học sinh lớp 8...
Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là lại xuất hiện những tin tức đau lòng như thế. Mùa hè đáng lẽ là khoảng thời gian để học sinh nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học căng thẳng, vất vả. Nhưng mới chớm hè mà hàng chục em nhỏ đã bị thủy thần cướp đi mạng sống, không còn cơ hội gặp lại thầy cô, bè bạn. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tai nạn đuối nước xếp đầu bảng các vụ tai nạn thương tích đối với trẻ em. Tại Việt Nam, mỗi năm tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hàng nghìn em nhỏ. Năm nào cũng thế, mỗi khi hè về thì câu hỏi cho trẻ chơi ở đâu, chơi cái gì lại trở nên nhức nhối, nhất là trẻ em khu vực nông thôn. Trẻ nông thôn vốn đã thiệt thòi khi nơi vui chơi ít, còn các trò chơi thì giản đơn. Vì thế, tắm sông, hồ, ao đã trở thành thú vui thu hút rất nhiều trẻ tham gia. Nhưng cũng chính thú vui này lại tiềm ẩn những nguy cơ chết người nếu các em không được kiểm soát, không có kỹ năng sinh tồn khi dưới nước.
Những năm gần đây, hàng loạt các chương trình, đề án dạy bơi cho trẻ em nông thôn, đưa môn bơi lội vào trường học, xây bể bơi, ao bơi được triển khai rầm rộ. Những lớp học kỹ năng sống cũng mở liên tục nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn khi số vụ tai nạn đuối nước không giảm. Theo các chuyên gia chăm sóc trẻ em, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên, quan trọng nhất là dạy trẻ em biết bơi. Thế nhưng, biết bơi vẫn chưa đủ bởi trước khi xuống nước, trẻ cần được trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống như khởi động kỹ, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, nước chảy xiết, cách cứu, sơ cứu người bị đuối nước. Thực tế chỉ ra rằng, việc dạy bơi cho trẻ vẫn mang tính tự phát khiến trẻ thiếu kỹ thuật bơi căn bản, thiếu kỹ năng sinh tồn, không có kỹ năng cấp cứu người đuối nước… Vì không có kỹ năng nên khi gặp nạn, trẻ thường lúng túng, hoảng sợ nên không xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề.
Phòng chống tai nạn đuối nước là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ngoài tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, chính quyền các cấp cần đầu tư kinh phí xây dựng những khu vui chơi, giải trí với nhiều trò chơi hấp dẫn. Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức những hoạt động cộng đồng lành mạnh để thu hút trẻ em tham gia. Đừng để mỗi khi hè về lại có hàng trăm em nhỏ không còn cơ hội quay lại mái trường thân yêu. Hãy để mắt đến trẻ vì các em chính là tương lai của gia đình và xã hội.
VỊ THỦY