Năm nay, đối với nhiều gia đình niềm vui tất niên không trọn vẹn. Những ngày này Hải Dương đang là tâm điểm của dịch Covid-19, nhiều nơi bị phong tỏa qua Tết Nguyên đán.
Tất niên là dịp ông Bùi Văn Thứ ở xã Tân Hương (Ninh Giang) hỏi han các cháu về chuyện học hành, công tác
Tất niên là thời khắc các thành viên gia đình quây quần bên mâm cơm đủ đầy những món ăn ngày Tết, cùng ôn lại những chuyện đã qua, hướng về một năm mới nhiều niềm vui, thắng lợi. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ở nhiều gia đình giây phút ấy sẽ không trọn vẹn.
Bữa cơm sum vầy
Những ngày cuối năm, thông thường gia đình nào cũng bận rộn với đủ thứ công việc sắm sửa cho ngày Tết. Ai cũng chộn rộn, mong nhớ người ở xa trở về ăn Tết. Bữa cơm tất niên được bày ra cúng tổ tiên sau khi mọi việc đã xong xuôi, người thân đã trở về đông đủ. Bởi vậy, nó mang ý nghĩa kính nhớ người đã khuất, gắn kết các thành viên, báo hiệu năm mới đã cận kề.
Bà Ngô Thị Tân ở xã Tân Việt (Thanh Hà) năm nay 80 tuổi. Bà bảo từ khi lớn lên đã thấy bố mẹ năm nào cũng cúng tất niên vào những ngày áp Tết. Dù khó khăn nhưng mâm cơm cúng lúc nào cũng đủ đầy những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành, thịt đông… Những đứa trẻ thời đó luôn háo hức chờ ăn tất niên bởi đó là bữa ăn no đủ sau một năm vất vả.
Giờ đây đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, bà Tân vẫn giữ truyền thống cúng tất niên. Khi các con trưởng thành, công tác, lập nghiệp ở phương xa thì bữa cơm tất niên càng thêm phần ý nghĩa, là lúc để mọi người sum vầy, chia sẻ yêu thương. “Trước đây, tôi thường cúng tất niên vào ngày 30 Tết. Nhưng giờ để thuận lợi cho các con ở xa, tôi thường cúng sớm hơn để ăn uống xong các con sẽ có thời gian trở về nhà mình lo Tết riêng”, bà Tân cho biết.
Đã nhiều năm rồi, cứ vào ngày cuối năm, ông Bùi Văn Thứ ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đều tổ chức cúng tất niên, cùng con cháu sum vầy bên mâm cơm đủ đầy những món ăn truyền thống. Cả năm bận rộn với bao lo toan cho cuộc sống thường ngày, chỉ đến ngày này thì tất cả các thành viên trong gia đình ở gần, ở xa mới có điều kiện sum vầy. Ông Thứ bảo những lúc như thế ông vui nhất là được nghe con cháu kể về thành tích học tập, công tác của mình.
Khắc khoải nhớ mong
Năm nay, đối với nhiều gia đình niềm vui tất niên không trọn vẹn. Những ngày này Hải Dương đang là tâm điểm của dịch Covid-19, nhiều nơi bị phong tỏa qua Tết Nguyên đán.
Dù tình hình dịch bệnh ở Thanh Hà vẫn được kiểm soát tốt, đến ngày 7.2 chưa có ca bệnh Covid-19, nhưng bà Tân vẫn trông mong khắc khoải. Trong số những người con của bà có người ở TP Chí Linh. Chắc chắn năm nay trong bữa cơm tất niên sẽ thiếu gia đình người con ấy. Rồi cả những người ở TP Hải Dương, Hà Nội, nếu tình hình dịch bệnh ổn định mới có thể trở về cùng bà sum họp cuối năm. Dẫu vậy, như mọi năm, bà Tân vẫn chuẩn bị đủ những món ăn truyền thống. Bà đã muối hành, đặt lá gói bánh chưng và cả một chú lợn để chờ các con về. Bà rất mong dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt và nhanh chóng qua đi.
Trước tình hình dịch Covid-19, toàn bộ TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, hàng chục khu vực nhỏ ở thị xã Kinh Môn và các địa phương khác đã bị phong tỏa, nhiều người ở xa Tết này đành hướng về nhà bằng nỗi nhớ.
Càng gần Tết, anh Nguyễn Nhật Vinh ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) càng khắc khoải nhớ về quê nhà ở phường Sao Đỏ (Chí Linh). Như mọi năm vào dịp này, anh Vinh và vợ đã rong ruổi khắp TP Hải Dương mua đồ chuẩn bị về quê đón Tết, trong đó có cả những thứ để bố mẹ sắm sửa cúng tất niên. Đây là năm đầu tiên sau khi xa nhà anh không được làm việc ấy. “Tôi cảm giác thấy thiếu thốn điều gì đó, nhất là cảm giác ấm cúng khi mà cả gia đình sum vầy bên bữa cơm tất niên. Thường thì lúc đó bố mẹ sẽ hỏi han chúng tôi nhiều, nhất là về những chuyện diễn ra trong năm cũ. Đây cũng là dịp để chúng tôi chia sẻ với bố mẹ về những vui buồn trong năm qua. Để sau đó, sang năm mới mọi người sẽ chỉ nói đến những điều tốt lành, hy vọng mọi việc hanh thông”, anh Vinh chia sẻ.
Tết luôn là khoảng thời gian thiêng liêng, đầm ấm, yên vui với mỗi gia đình Việt Nam. Nhưng đất nước chúng ta đã trải qua nhiều gian khó, thậm chí bị chia cắt do chiến tranh, chúng ta đều vượt qua. Mọi người cùng nhắc nhau chú ý phòng dịch để có những cuộc sum họp gia đình vui hơn, an toàn hơn sau cái Tết đặc biệt này.
NGỌC THANH