Những ngày này, không khí vui tươi của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lan tỏa khắp các thôn, khu dân cư. Đây cũng là dịp để tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.
Rộn ràng, tươi vui
Nằm nép mình dưới dãy núi An Phụ, Nhà văn hóa thôn Bản Trại, xã Thượng Quận (Kinh Môn) trở nên nổi bật bởi sắc đỏ của cờ hoa. Con đường trung tâm dẫn vào nhà văn hóa của thôn cũng tấp nập và tươi vui hơn trước, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi người dân. Với người dân thôn Bản Trại, hôm nay là “bữa cơm đoàn kết” đầu tiên sau khi 2 thôn Bồ Bản và Trại Sắn sáp nhập vào năm ngoái. Sau sáp nhập, thôn Bản Trại có trên 300 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, cả 4 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Lệ ở xóm Đông, thôn Bản Trại đều tới dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Lệ chia sẻ: “Những năm trước, bữa cơm đoàn kết nào tôi cũng tham dự nhưng thôn ít hộ nên chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ. Năm nay sáp nhập thôn, bữa cơm đoàn kết đông vui hơn trước, nhiều con em xa quê cũng về dự. Quê hương đổi mới, kinh tế ngày càng phát triển. Người dân chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi”.
Từ nhiều ngày trước, nhà văn hóa khu dân cư Trại Trống, phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) luôn rộn vang tiếng hát của các bà, các chị chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tạm gác lại những công việc, những bận rộn hằng ngày, ai cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động. Khi ngày hội được tổ chức, từ người già tới trẻ nhỏ ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Anh Đặng Ngọc Quỳnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Trại Trống cho biết khu dân cư nằm giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Trại Trống là khu đất bỏ hoang, không có dân cư sinh sống. Sau đó, những người dân ở huyện Ninh Giang và Hà Bắc (tỉnh Bắc Giang) lần lượt đến lập nghiệp. Do vậy, những người dân nơi đây luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. “Sau 10 năm, khu dân cư Trại Trống mới được lựa chọn làm điểm để tổ chức ngày hội của phường Hoàng Tiến. Công tác chuẩn bị cho ngày hội được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Qua ngày hội, tình làng xóm càng thêm gắn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế”, anh Quỳnh nói.
Gắn kết nghĩa tình làng xóm
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (Kinh Môn) cũng diễn ra tươi vui, rộn ràng. Đường làng, ngõ xóm rực rỡ sắc màu của cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu. Tất cả tạo nên không khí phấn khởi, rộn ràng lan tỏa đến các gia đình.
Anh Hoàng Gia Lực, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xạ Sơn cho biết, để chuẩn bị cho ngày lễ, ngay từ đầu tháng 11, thôn đã nhiều lần tổ chức họp để phân công nhiệm vụ cho các tiểu ban. Ngoài “Bữa cơm đại đoàn kết”, thôn còn tổ chức nhiều hoạt động như câu cá, bóng đá nữ, tổ chức lễ tế Thành hoàng… Các hoạt động diễn ra trong 2 ngày. Là ngày hội lớn nên người dân trong thôn ai cũng muốn góp chút công sức để ngày hội diễn ra vui vẻ, chu đáo, đúng ý nghĩa là ngày hội của toàn dân.
“Hằng năm chúng tôi đều tổ chức ngày hội đoàn kết trang trọng, trên tinh thần vui vẻ, phấn khởi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Ngày hội không chỉ đem đến không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng nghĩa xóm mà còn là nơi để nhân dân thi đua cùng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước”, anh Lực phấn khởi chia sẻ.
Dù bận rộn công việc nhưng nhận được giấy mời, ông Ngô Quốc Tứ (TP Hà Nội) vẫn thu xếp để về dự ngày hội ở thôn Xạ Sơn. “Những năm gần đây, Ngày hội Đại đoàn kết nào của thôn tôi đều về dự. Thấy quê hương ngày càng phát triển, những người con xa quê như chúng tôi phấn khởi lắm”, ông Tứ nói.
Ông Vũ Ngọc Thường, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù các thôn, khu dân cư trong tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay được tổ chức chu đáo cả về nội dung và hình thức. Đồng thời bảo đảm tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng và đầm ấm, mang lại niềm vui cho nhân dân. Năm nay, việc tổ chức ngày hội ở nhiều nơi còn trùng với dịp bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhưng vẫn được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Một điểm nhấn rất đặc biệt trong ngày hội chính là những “Bữa cơm đoàn kết”. Bữa cơm được tổ chức từ nguồn đóng góp của bà con ở khu dân cư, đơn giản và ít tốn kém. Khi phần lễ và phần hội đã xong cũng là lúc những mâm cơm được dọn ra, người già, trẻ, gái trai cùng quây quần, ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Nhiều người con xa quê cũng tề tựu cùng chung vui, đóng góp công sức để quê hương ngày càng phát triển. Điều này thể hiện tinh thần, truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Ngày hội thực sự là dịp thắt chặt thêm tình đoàn kết ở các thôn, khu dân cư để nhân dân cùng chung sức, chung lòng thực hiện tốt hơn các cuộc vận động, các phong trào của địa phương.
TRẦN HIỀN