Đất trời chưa chạm ngõ tháng 11, người người đã nhớ ngay đến Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Bao cảm xúc xốn xang, bồi hồi, chộn rộn trong lòng. Mấy ai lớn lên lại không từng cắp sách đến trường, gắn với những kỷ niệm trường lớp, thầy cô, bạn bè. Và mấy ai lại không nhận thức được vai trò của thầy cô, những người ngày đêm miệt mài bên trang giáo án.
Nhớ hồi còn học tiểu học, mỗi dịp 20.11 tới, lớp chúng tôi lại háo hức hẹn nhau đến thăm nhà thầy cô. Quà của lớp dù chỉ có mỗi bó hoa vậy mà đứa nào đứa nấy giành nhau cầm, chờ đợi nhau đông đủ rồi lũ lượt kéo nhau đến nhà thầy cô trong tiếng cười giòn tan, háo hức.
Vui nhất là khi cô, thầy vui vẻ đón nhận bó hoa cùng lời chúc của lớp. Vui nữa là được thầy cô chúc lớp chăm ngoan và chúng tôi được thỏa thích ăn bánh kẹo hay hoa quả từ vườn nhà thầy cô đã chuẩn bị sẵn. Chỉ vậy thôi mà thấy trang trọng, ấm áp vô cùng. Để rồi đứa nào cũng thấy mình được yêu thương và thầm nghĩ sẽ cố gắng chăm ngoan, học tập tốt hơn nữa để đền đáp công ơn của thầy cô.
Thầy cô ở trên lớp nghiêm khắc là thế nhưng mỗi lần gặp gỡ, chuyện trò, nhất là trong dịp lễ, Tết như 20.11 đều rất gần gũi, thân tình. Những người thầy, người cô khi ấy chẳng khác nào như những người cha, người mẹ bên đàn con quấn quýt.
Chúng tôi cứ thế trưởng thành qua bàn tay dìu dắt của biết bao thế hệ thầy cô. Và dù có là ai, ở phương trời nào, mỗi dịp đến ngày 20.11, trở về thăm thầy cô chúng tôi vẫn luôn là những cô cậu học trò bé bỏng năm nào, vẫn luôn ghi nhớ công ơn thầy cô, mái trường nơi mình đã gắn bó suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Điều mà thầy cô trăn trở nhất hiện nay là những biểu hiện bất ổn của xã hội cũng như của giáo dục trên con đường cải cách, hội nhập. Thầy cô mong muốn được xã hội thực sự tôn trọng, giảm những thứ hình thức, không cần thiết, tạo nên sự lãng phí và áp lực cho giáo viên như lạm dụng chuyện họp hành hay các hình thức văn bản, giấy tờ, sổ sách.
Phải thực sự chăm lo cải thiện môi trường làm việc, đời sống cho giáo viên. Việc chống tiêu cực, bê bối trong giáo dục phải quyết liệt, đi vào thực chất. Niềm vui lớn nhất của thầy cô không gì khác là thấy những học trò chăm ngoan, lễ phép và không ngừng tiến bộ, là thấy phụ huynh thực sự quan tâm, phối hợp với thầy cô, nhà trường để giáo dục con em mình.
Ai cũng nói “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Nhưng quan trọng là chúng ta biết phải làm gì và làm như thế nào để xứng đáng với câu nói ấy. Đã đến lúc chúng ta không nên tung hô, tô vẽ nhiều cho nghề giáo bằng những mỹ từ hình thức mà cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Bởi từ xưa đến nay, điều mà những người thầy mong đợi trước hết ở thái độ ứng xử có văn hóa, có đạo đức của học trò, phụ huynh, nhà trường, xã hội với họ. Và món quà ý nghĩa nhất đối với mỗi thầy cô không gì vui bằng là sự trưởng thành của trò.
THU ĐÌNH(TP Hải Dương)