Đi dự lễ hội, thấy một vị quan chức chuẩn bị lễ hầu đồng khá lớn, một cán bộ lão thành hỏi tôi:
- Không biết niềm tin họ để ở đâu?
- Tự do tín ngưỡng mà anh - tôi trả lời qua loa cốt để anh ấy khỏi trách là mình không đáp lời.
- Hóa ra đồng chí cũng đồng tình với việc làm không đẹp đó - anh nghiêm túc nói - Tự do tín ngưỡng là chính sách lớn của Đảng ai cũng biết. Nhưng thực hiện chính sách đó thế nào cho phù hợp thì không dễ.
Ngừng một lát, anh nói về những hiện tượng tiêu cực qua các mùa lễ hội. Ấy là năm nào Chính phủ cũng phải nhắc nhở việc không được dùng xe công đi lễ hội, cấm cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính. Chả thế mà trên nhiều tờ báo còn viết rõ "Lãnh đạo phải gương mẫu trong mùa lễ hội". Bởi đầu năm cũng là thời điểm mà các chỉ thị, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nhiều công tác trọng yếu trong năm phải triển khai. Mải mê lễ hội là bỏ đi thời cơ đáng tiếc. Vậy mà, những hiện tượng phản cảm như trên vẫn xảy ra.
- Vậy niềm tin họ đặt ở đâu? - anh lại nêu câu hỏi đó, rồi tự gợi ra: Những đồng chí này thường được học bài bản cả, duy tâm, duy vật, lý luận trung, cao cấp cả đấy. Thế mà trước đông đảo công chúng lại thể hiện như thế. Tự họ mất lòng tin vào lý tưởng, hướng quá xa về những "miền ảo tưởng" đã đành, lại làm cho người xung quanh cũng phân tâm, thậm chí mất niềm tin vào những điều mình duy dưỡng từ lâu...
- Quả thật có chuyện đó - tôi ngắt lời anh - Bình thường thì đã không nên có, lại trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang học tập, thực hiện phong cách nêu gương của Bác Hồ thì lại càng cần xem xét nghiêm túc...
Anh nhìn tôi:
- Phải thế chứ, vì chúng ta sống không thể không có niềm tin. Niềm tin ấy là lý tưởng của Đảng trong một xã hội có thực chứ không là "ảo vọng", cầu lộc, cầu quan... mà được.
ĐỒNG CHÍ