Họ là những cá nhân ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng đều có nhiều sáng kiến, sáng tạo, việc làm c làm lợi cho cơ quan, đơn vịdoanh nghiệp, góp phần xây dựng quê hương.
Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2016 cho ông Nguyễn Văn Đoàn
Trước năm 2011, tỷ lệ cấp nước sạch trong tỉnh mới chỉ đạt trên 20%. Chất lượng nước còn hạn chế, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao. Nhiều trạm cấp nước công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu... Để khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của khách hàng, ông Nguyễn Văn Đoàn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cùng với ban lãnh đạo công ty đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Những đề xuất của ông Đoàn và ban lãnh đạo công ty được tỉnh chấp thuận, khuyến khích thực hiện.
Từ năm 2010 đến nay, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã hoàn thành nhiều dự án, công trình hệ thống cấp nước cho các xã của các huyện Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Miện, Kinh Môn, Cẩm Giàng... Ông Đoàn cũng mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh cho áp dụng hình thức tự thi công các công trình. Nhờ đó, các công trình được thi công với chất lượng tốt theo đúng yêu cầu, tạo việc làm cho người lao động và tiết kiệm khoảng 20% chi phí đầu tư. Hiện nay, công ty đã cấp nước sạch cho 100% số dân đô thị và hơn 120 xã, góp phần đưa tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trong toàn tỉnh lên 95%.
Là người đứng đầu công ty, ông Đoàn luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân tìm tòi, phát huy sáng kiến, có chế độ động viên, khen thưởng phù hợp. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm đơn vị có từ 12 - 15 sáng kiến được áp dụng thành công, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. Riêng cá nhân ông, từ năm 2009 đến nay đã có 7 đề tài, sáng kiến đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tiêu biểu là giải pháp "Ứng dụng công nghệ cảm biến hồng ngoại và truyền GPRS trong quản lý giám sát hệ thống mạng lưới cấp nước" hay sáng kiến "Chuyển đổi công nghệ từ sử dụng nguồn nước ngầm sang sử dụng nước mặt và cải tạo nâng công suất Nhà máy nước Việt Hòa từ 10.200 m3/ngày đêm lên 20.000m3/ngày đêm". Cả hai giải pháp này đều được áp dụng cho toàn bộ ngành nước Việt Nam và nhiều quốc gia khác.
Hết lòng xây dựng quê hương
Nhờ tâm huyết của chị Nga, đường làng, ngõ xóm thôn Hùng Sơn đẹp hơn
Là Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã Hồng Quang (Thanh Miện), chị Đặng Thị Nga (sinh năm 1971) luôn tâm huyết với các hoạt động của hội.
Bao đời nay, người dân thôn An Lâu, xã Hồng Quang chỉ gắn bó với cây lúa. Hơn 1 năm trước, với vai trò là Chủ tịch HPN xã, chị Nga đề xuất Đảng ủy xã chỉ đạo phát triển vùng chuyên canh cây màu ở thôn An Lâu. Dù được đồng thuận nhưng chị không lường trước được hết những khó khăn gặp phải. Nhiều người ái ngại vì sợ chuyển đổi cây trồng sẽ vất vả mà hiệu quả kinh tế chưa biết thế nào. Đầu năm 2018, để vận động bà con canh tác kịp thời vụ, có ngày chị khoác áo mưa đến từng nhà động viên. Hệ thống tưới tiêu bị tắc, chị đôn đáo thuê máy xúc về khơi thông dòng chảy... Nhiệt tình của chị đã thuyết phục được mọi người. Giờ đây, thôn An Lâu đã có gần 10 ha chuyển đổi trồng ngô, khoai, đỗ tương... "Dù là thử nghiệm nhưng hiệu quả tính ra cao hơn hẳn so với cấy lúa", ông Nhữ Đình Trạm có 1 mẫu trồng màu trong vùng chuyển đổi vui vẻ nói.
Cũng nhờ nỗ lực của chị Nga và HPN xã mà giờ đây những con ngõ nhỏ thôn Hùng Sơn luôn ngập tràn sắc hoa, tạo nên cảnh quan tươi đẹp cho xóm làng. Đó là kết quả của việc triển khai mô hình "Chi hội Phụ nữ xanh - sạch- đẹp" ở thôn.
Trong năm 2016, chị Nga còn trúng cử đại biểu HĐND xã và Ban Chấp hành HPN huyện Thanh Miện. Trên cương vị công tác của mình, chị đã có nhiều đóng góp, mang đến lợi ích thiết thực cho hội viên. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, chị cùng HPN xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hơn 4.000 lượt hội viên tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kiến thức phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe... Tính đến hết năm 2017, HPN xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 500 hộ vay hơn 11,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Hạt nhân phong trào công đoàn
Anh Thịnh luôn nhiệt tình với các phong trào của Công đoàn
Đó là anh Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch Công đoàn của Công ty TNHH Sees Vina ở thôn Vạn Tải, xã Minh Đức (Tứ Kỳ). Năm 2010, anh Thịnh vào làm việc tại Công ty TNHH Sees Vina. Sau 2 năm, anh được bầu làm Chủ tịch Công đoàn công ty. Là tổ trưởng tổ cơ khí kiêm Chủ tịch Công đoàn, dù vai trò nào, anh Thịnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Là cán bộ quản lý, tổ chức phục vụ bữa ăn cho hơn 2.000 công nhân, lao động (CNLĐ), anh Thịnh đã tham mưu cho lãnh đạo công ty trang bị đầy đủ phương tiện, xây dựng bếp ăn tập thể hợp vệ sinh, duy trì món ăn hằng ngày không đơn điệu. Anh Thịnh cùng Ban Chấp hành công đoàn đã phát động phong trào "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ"; đề xuất với lãnh đạo công ty trang bị găng tay, khẩu trang, mũ... để bảo vệ và giảm nguy cơ tai nạn cho người lao động. Bên cạnh đó, sự tích cực của anh góp phần giúp công đoàn công ty có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ như tổ chức tặng quà, thưởng tiền vào dịp lễ, Tết...
Từ năm 2013 đến nay, anh Thịnh còn nhận giúp đỡ, kèm cặp trên 200 CNLĐ yếu tay nghề. Bản thân anh cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công ty phát động. Năm 2017, anh đoạt giải nhất với sáng kiến “Chế tạo máy thử độ kín đo độ cách nước cho sản phẩm găng tay”. Công ty TNHH Sees Vina chuyên sản xuất găng tay thể thao xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada... Hằng năm, công ty sản xuất 900.000 đôi găng tay cách nước. Toàn bộ số máy thử độ kín đo độ cách nước cho găng tay, công ty đều phải nhập từ Hàn Quốc. Trong khi đó, chiếc máy anh chế tạo lại có chi phí thấp, 3 máy chỉ hơn 17 triệu đồng. Sau khi đưa vào vận hành, sản lượng trong 1 ca làm việc đạt 560 sản phẩm/máy, tăng 80 sản phẩm/máy so với máy cũ. Anh Thịnh đã làm lợi cho công ty hơn 260 triệu đồng từ việc sử dụng chiếc máy này.
PV