Cách nói chuyện gần gũi, nhiệt tình, sôi nổi là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà).
Sắp xếp công việc khoa học giúp bà Lan làm tròn cả việc công và việc gia đình
Năm 2013, bà Lan được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cam Lộ. Từ tháng 9.2017, bà được bầu thêm chức danh Trưởng thôn. 4 năm qua, cả thôn Cam Lộ như một công trường lớn bởi đi tới đâu cũng gặp cảnh phá tường, mở đường, bê tông hóa đường nội đồng, xây dựng khu trung tâm văn hóa của làng... Ngoài nguồn hỗ trợ xi măng làm đường của tỉnh, hầu hết kinh phí đều do nhân dân đóng góp. Trước khi đưa một vấn đề gì ra bàn thảo tại cuộc họp chi bộ, bà Lan đã cùng các cán bộ thôn tìm hiểu nguyện vọng của đảng viên, quần chúng. Như việc xây dựng các công trình văn hóa của làng, bà Lan cùng ban lãnh đạo thôn đã phát 850 phiếu thăm dò ý kiến của người dân về việc có xây dựng hay không. Tổng hợp lại, bà Lan đưa ra xin ý kiến chi bộ, ban lãnh đạo thôn, sau đó thành lập ban kiến thiết. Các ban này chủ yếu do người dân trực tiếp đảm nhiệm, từ việc lên kế hoạch, dự toán chi phí, thu chi, quản lý, giám sát thực hiện công trình... Đối với việc làm đường, ban kiến thiết sẽ do một đảng viên làm tổ trưởng, các thành viên là đại diện các đoàn thể và người dân. Riêng việc xây dựng đình làng thì mời thêm các cụ cao tuổi có uy tín trong làng, đại diện các dòng họ tham gia. Để có tiền xây dựng các công trình này, ngoài khoản thu đã thống nhất với người dân, bà Lan cùng chi ủy đi vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn, gửi thư tới những người con xa quê để kêu gọi tài trợ, ủng hộ... Nhờ vậy, các công trình văn hóa như đình, sân chơi... của thôn Cam Lộ đã được xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 800 triệu đồng, còn lại hơn 2 tỷ đồng vận động từ các nguồn khác.
Trong hơn 6 năm đảm nhận nhiệm vụ, bà Lan nhớ nhất những ngày vận động bà con quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân. Đất rộng nên nhiều nhà tiện đâu an táng người thân ở đó, khu an táng và khu cải táng xen lẫn nhau. Bà Lan cùng chi ủy họp bàn xây dựng phương án xử lý, rồi đưa ra lấy ý kiến, thống nhất tại chi bộ. Nhờ đó, khu nghĩa trang đã được quy hoạch thành 2 phần gồm một bên chưa cải táng và một bên xây mộ chờ, tất cả các mộ đều được xây theo quy định, hàng lối.
Trước đây, thôn Cam Lộ không có bãi rác tập trung, đường làng, ngõ xóm chỗ nào cũng có rác vứt bừa bãi. Trước thực trạng này, bà Lan trực tiếp tìm hiểu những nơi có đủ điều kiện để làm bãi rác tập trung, rồi đề nghị cán bộ địa chính xã và cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về khảo sát vị trí. Chi ủy ra nghị quyết thành lập tổ thu gom rác thải. Thôn đông dân, lượng rác thải nhiều trong khi tiền công không cao nên những người thu gom rác đã xin nghỉ. Gần một tháng trời, bà Lan phải trực tiếp đẩy xe đi thu gom rác thải vì chưa tìm được người thay thế. "Mình không đi thu gom, rác ngập đầy đường sao chịu nổi, mà có đi làm mới thấy công việc thu gom rác rất nặng nhọc", bà Lan nhớ lại. Vì thế, sau này tìm được người thay thế, bà Lan đã xin ý kiến chi bộ, thôn về việc chi trả lương cho người thu gom rác, mua dụng cụ bảo hộ lao động, mua bảo hiểm y tế...
"Các nghị quyết của chi bộ sát với thực tế nên các đảng viên và nhân dân trong thôn đều đồng thuận cao trong mỗi công việc của làng, của xóm", ông Phạm Đức Chung, đảng viên Chi bộ thôn Cam Lộ cho biết. Còn ông Nguyễn Tuấn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Tân Việt đánh giá: "Đồng chí Lan rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, đúng với tinh thần miệng nói, chân bước, tay làm. Nhờ vậy, thôn Cam Lộ đạt nhiều kết quả đột phá, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới".
THANH HOA