Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng lên trong những ngày gần đây, với nhiều ca biến chứng nặng ngay từ đầu mùa dịch.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: Tạ Nguyên.
Số ca mắc tăng, nhiều ca nặng
Theo Bộ Y tế, tính đến tuần đầu tháng 8.2022, cả nước ghi nhận trên 145.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 53 trường hợp tử vong. Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều trường hợp tử vong như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận. So với cùng kỳ 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,3 lần, số ca tử vong tăng 39 trường hợp.
Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang tăng lên. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 14,1% so với tuần trước); các quận, huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Thanh Trì (19 ca), Phú Xuyên (16 ca), Ba Đình (12 ca), Đống Đa (11 ca), Hà Đông (11 ca), Thường Tín (11 ca), Bắc Từ Liêm (10 ca)…
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 778 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 2 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), chưa có trường hợp tử vong. Hiện tuýp virus Dengue gây sốt xuất huyết đang lưu hành trên địa bàn là D1 và D2.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng. BS CKII Trần Thị Hoài, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Hiện sốt xuất huyết tại Hà Nội không rầm rộn như khu vực phía Nam. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Đức Giang đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân nặng. Đa số các ca nặng có tình trạng cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi nhiều; số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, phải truyền tiểu cầu cũng tương đối nhiều. Đặc biệt, năm nay, chúng tôi đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết; trong khi mọi năm các trường hợp này rất ít”.
Đơn cử, có trường hợp sốt xuất huyết đến ngày thứ 5 thì xuất hiện tình trạng tiểu giảm, hầu như không đi tiểu, mệt nhiều, li bì. Khi được đưa tới bệnh viện, bệnh nhân đã trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, trong đêm bệnh nhân phải truyền tới 3,5 lít dịch trong đó có 2 lít cao phân tử và bù Albumin, vận mạch, nâng huyết động… Sau 1 đêm điều trị tích cực bệnh nhân mới thoát sốc. Điều trị đến ngày thứ 6, thứ 7 tình trạng bệnh nhân vẫn còn nặng sau 2 ngày truyền tiểu cầu. Bệnh nhân đã trong tình trạng bị cô đặc máu do thoát dịch, phải truyền đồng thời cả 2 tay, cô đặc máu do bị thoát dịch, phải truyền dịch liên tục tới 1 ngày 1 đêm.
Theo BS CKII Trần Thị Hoài, tình trạng thoát dịch khi bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Người bệnh mất dịch do đi ngoài có thể dễ nhận biết nhưng thoát dịch ra khỏi lòng mạch lại khó nhận biết. Việc nhận biết phải dựa trên lâm sàng như qua: Huyết áp, mạch, số lượng nước tiểu, các chỉ số trên xét nghiệm…
Không để bọ gậy phát sinh, truyền bệnh
Nguy cơ sốt xuất huyết còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng rộng. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, kết quả giám sát vừa qua tại nhiều điểm trên địa bàn cho thấy, nhiều nơi có chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) cao vượt ngưỡng; như tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (BI = 46); tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (BI = 54); xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh (BI = 100)… Điều này cho thấy nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng rất lớn.
Vì vậy, cùng với tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và các bệnh viện để kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng; Hà Nội cũng đang tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.
Theo Bộ Y tế, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để người dân không chủ quan, không hoang mang, lơ là và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
Các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Mỗi người cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đặc biệt, khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.
Để cảnh giác với các biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết, bác sĩ cũng khuyến cáo, với người bệnh sốt xuất huyết, nếu tự theo dõi ở nhà, cần chú ý việc đi tiểu, nếu thấy giảm đi tiểu hơn, mệt, khác nước hơn thì cần đến cơ sở y tế để kiểm tra công thức máu. Đặc biệt, việc bù dịch bằng đường uống Oresol với người sốt xuất huyết rất quan trọng, có thể tránh được tình trạng mất dịch, cô đặc máu. Với những bệnh nhân nôn liên tục không uống bù dịch được thì cần đến cơ sở y tế để bù dịch bằng đường tĩnh mạch.
Theo báo Tin tức