Hằng năm, ngành thẩm mỹ gặp không ít ca bị biến chứng sau khi tiêm filler để làm đẹp.
Các biến chứng này đa phần để lại tổn thương vĩnh viễn. Nhưng vì sao người ta vẫn lựa chọn filler là chất làm đẹp và vì sao vẫn có những ca gặp phải thảm họa?
1. Filler có tác dụng gì trong thẩm mỹ?
Filler (chất làm đầy) là tên gọi của một nhóm các chất thường là hyaluronic acid, calcium hydroxyapatite, PLLA... Chúng có cấu trúc đặc biệt giúp tồn tại một thời gian dưới da và tạo cấu trúc định hình. Chất này là giải pháp thay thế cho silicon lỏng đã bị cấm sử dụng từ năm 1990.
Trong ngành thẩm mỹ, chất làm đầy này được dùng để tiêm vào da, tạo khối mô dày dưới nếp nhăn. Mục đích là làm phẳng da hay tăng thể tích một bộ phận nào đó của cơ thể trong thời gian ngắn, như các vùng cần nâng độn. Chính vì thế, filler có thể được sử dụng cho mục đích:
Cải thiện tình trạng nếp nhăn trên khuôn mặt từ trung bình đến nặng.
Tăng độ đầy đặn của môi, má, cằm, đường viền hàm và mu bàn tay.
Phục hồi tình trạng mất mỡ trên khuôn mặt.
Làm đầy quầng mắt.
Khắc phục sẹo mụn ở má…
Sau khi tiêm chất làm đầy có hiệu quả trong vòng từ 4-6 tháng, tối đa là 18-24 tháng. Sau đó nếu muốn duy trì làm đẹp thì cần tiếp tục tiêm, do đó chi phí làm đẹp cho biện pháp này tương đối cao.
Điều trị làm đẹp bằng chất làm đầy có nhiều ưu điểm như mang lại kết quả ngay lập tức; quy trình tiêm filler nhanh (chưa đến 1 giờ); thời gian hồi phục sau khi tiêm là tối thiểu so với các phương thức làm đẹp khác. Tuy nhiên, trong thủ thuật tiêm filler cũng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng, mặc dù rất ít gặp.
2. Nguyên nhân gặp biến chứng khi tiêm filler
2.1. Tiêm filler không đúng kỹ thuật
Một trong những nguyên nhân gây biến chứng là kỹ thuật tiêm chất làm đầy vào mạch máu và gây tắc mạch dẫn đến hoại tử. Khi kỹ thuật viên tiêm filler không đúng kỹ thuật, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch, hoặc tiêm nhầm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch, từ đó dẫn đến hoại tử vùng mô mà mạch máu bị tắc nuôi dưỡng…
Hình ảnh bị tím bầm, hoại tử sau khi tiêm filler nâng mũi.
Theo PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108, trong các ca biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler tạo hình mũi, làm đầy thái dương, mặc dù không phải tiêm filler vào mắt, nhưng khi tiêm chất này vào vùng mũi có thể dẫn đến phù nề, chèn ép gây hoại tử tại chỗ. Từ đó ảnh hưởng đến vùng xung quanh, gây tắc động mạch trung tâm võng mạc, tăng nhãn áp. Hoặc kỹ thuật tiêm nhanh, áp lực tiêm mạnh khiến filler đi ngược dòng máu. Từ đó, chất tiêm bị đẩy ngược lại vào động mạch mắt, trong đó có động mạch trung tâm võng mạc, gây mù lòa.
2.2. Định lượng tiêm filler không đúng
Khi tiêm quá liều filler có thể gây căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu các cơ qua lân cận cũng gây hoại tử. Tùy từng vị trí tiêm filler mà bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm sẽ đưa ra quyết định tiêm bao nhiêu là đủ. Khi định lượng filler chính xác là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả và an toàn của phương pháp làm đẹp này.
Chẳng hạn khi điều trị trẻ hóa và căng bóng da (vùng da được chỉ định tiêm bao gồm mặt, cổ, ngực trên, mu bàn tay), liều lượng filler phù hợp là từ 2 - 4ml (tùy vùng điều trị). Khi tiêm filler quầng mắt (chỉ định cho vùng quầng xung quanh mắt, rãnh nước mắt, nếp nhăn li ti ở đuôi mắt), lượng cần sử dụng từ 0.2-1ml (tùy từng vùng điều trị)…
Nếu định lượng vượt quá (thường gặp ở các spa) thì nguy cơ gặp phải biến chứng là không hề nhỏ.
2.3. Chất lượng filler không đảm bảo
Mặc dù filler đã được Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm mỹ (FDA) cấp phép sử dụng, nhưng giá thành lại rất đắt đỏ. Theo thông tin từ một bác sĩ thẩm mỹ, giá 1cc filler loại chất lượng cao, được cấp phép khoảng 6-7 triệu (chưa tính phí dịch vụ).
Do nhu cầu làm đẹp bằng filler rất nhiều và khách hàng không đủ chi trả cho filler chất lượng cao, nên trên thị trường vẫn có chỗ đứng cho loại filler giá thành rẻ, đương nhiên là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đây cũng là một trong những nguy cơ gây biến chứng cao.
2.4. Nhiễm trùng
Một nguyên nhân nữa gây biến chứng, đó là do nhiễm trùng. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra nếu quy trình tiêm không tôn trọng nguyên tắc vô khuẩn. Hơn nữa, filler cũng có nhiều loại, mỗi loại lại được chỉ định dùng cho mỗi vùng khác nhau. Nếu sử dụng sai loại cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
3. Làm thế nào để tránh biến chứng khi tiêm filler?
Có thể khẳng định rằng không thể loại trừ hết 100% các biến chứng trong y khoa, nhưng chúng ta có thể hạn chế nó tối đa bằng các bước thực hiện an toàn.
Ngoài vấn đề y đức, trong đó y đức trong chuyên ngành thẩm mỹ rất khó kiểm soát, bởi các trung tâm thẩm mỹ, spa mọc lên như nấm sau mưa và đưa lợi nhuận lên hàng đầu, thì người bỏ tiền ra đi làm đẹp phải là khách hàng thông minh, biết tìm hiểu và lựa chọn dịch vụ.
Trong đó cần tìm hiểu về địa chỉ cũng như tay nghề của bác sĩ. Mặc dù dịch vụ thẩm mỹ không như chữa bệnh, nhưng nó liên quan nhiều đến hậu quả sau làm đẹp, vì thế vẫn cần những quy trình nghiêm ngặt.
Chỉ có bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề mới được thực hiện kỹ thuật tiêm filler.
Chỉ có bác sĩ được cấp giấy phép hành nghề từ Bộ Y tế, Sở Y tế mới được thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ.
Chính vì thế, tiêm filler chỉ được thực hiện tại những cơ sở y tế được cấp phép, do bác sĩ có năng lực và chuyên môn cao thực hiện. Ngoài các bằng cấp y khoa liên quan, một bác sĩ thẩm mỹ sẽ cần thời gian để rèn luyện tay nghề cho thật thuần thục. Theo đó, cần có thời gian làm việc như sau:
18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh đối với bác sĩ.
12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sĩ.
Thời gian trải nghiệm và thực hành càng cao thì càng có cơ hội được trở thành bác sĩ tiêm filler.
Chứng chỉ hành nghề tiêm filler.
Sau khi đã có trong tay đầy đủ các kiến thức lý thuyết và thực hành, người tiêm filler cần phải có trong tay chứng chỉ hành nghề tiêm filler theo đúng quy định mới được hành nghề.
Như vậy, để có chứng chỉ hành nghề tiêm filler theo đúng quy định không đơn giản, do đó không nhiều người được cấp phép để tiến hành thủ thuật này như trên thị trường hiện nay. Đặc biệt là tại các spa không đủ điều kiện đăng ký dịch vụ thẩm mỹ nội khoa, nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ tiêm filler, meso, botox.
Tại các spa này, hầu hết người thực hiện tiêm filler đều không phải là bác sĩ được đào tạo bài bản. Do đó mới dẫn đến các tai họa sau khi tiêm filler như vậy, còn bản chất của filler không phải là nguyên dân dẫn đến các biến chứng.
Chính vì thế, PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm đưa ra lời khuyên: Để đảm bảo hiệu quả và độ an toàn khi tiêm filler, tốt nhất trước khi đi làm đẹp bạn cần tìm hiểu kỹ. Nên tìm đến các bệnh viện có trung tâm thẩm mỹ, với các bác sĩ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để được tư vấn và thực hiện kỹ thuật tiêm chất này. Ngoài ra cũng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có tem mác rõ ràng, đã được FDA cấp phép sử dụng.
Theo Sức khỏe và Đời sống