Nắng nóng làm tăng nguy cơ kiệt sức và khiến bệnh nhân đái tháo đường khó duy trì lượng đường trong máu bình thường hơn. Vì vậy, cần phải tuân thủ những thói quen lành mạnh giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường trong mùa nắng nóng.
Bà N.T.N. (52 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết bà bị bệnh đái tháo đường đã nhiều năm nay. Do tính chất công việc, bà thường xuyên phải đi lại ngoài đường kể cả những ngày nắng nóng.
Thời gian gần đây, có ngày khi đang đi làm, bà cảm thấy nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi... phải ngồi tạm dưới bóng cây mát mẻ để nghỉ ngơi.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết trung ương, nhiệt độ tăng cao khiến người bệnh đái tháo đường cảm thấy nóng hơn so với người bình thường.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Điều này dẫn đến kiệt sức vì nóng và say nắng.
Người bệnh đái tháo đường bị mất nước nhanh hơn người thường. Không kiểm soát đường huyết tốt trong mùa nắng nóng thì cơ thể sẽ gia tăng bài tiết nước tiểu nhiều, khiến cơ thể mất nước nhanh hơn. Việc mất nước có thể khiến cho đường huyết tăng cao.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, sự trao đổi chất cơ thể diễn ra nhiều hơn và cơ thể có khả năng hấp thụ nhiều insulin hơn, người bệnh còn đối diện nguy cơ hạ đường huyết.
Bác sĩ Trần Thùy Ngân, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, cho biết sức khỏe người bệnh đái tháo đường không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, tái khám định kỳ… mà còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Thời tiết ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, tác dụng của thuốc cũng như sản xuất insulin. Do vậy, người bệnh cần nắm những nguyên tắc cơ bản để chăm sóc sức khỏe khi thời tiết thay đổi.
- Kiểm tra đường huyết: Thường xuyên kiểm tra đường huyết. Khám định kỳ với bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường để được điều chỉnh chế độ ăn, thuốc uống phù hợp. Người bệnh nên mang theo bánh hoặc thức ăn nhẹ để phòng khi đường huyết giảm.
- Bảo quản máy đo đường huyết: Nhiệt độ cao có thể làm sai kết quả của máy đo đường huyết và que thử. Người bệnh cần bảo quản máy đo đường huyết ở nhiệt độ phòng bình thường, nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên để trong phòng lạnh, nhiệt độ lạnh cũng làm sai kết quả khi đo.
- Bảo quản insulin đúng cách: Insulin có thể bị hỏng dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở nhiệt độ nóng. Khi bị hư do nhiệt, insulin trong suốt thường trở nên đục hoặc insulin đục sẽ trở nên sần sùi và dính vào mặt kính.
Insulin đã tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đôi khi có màu nâu. Không sử dụng insulin khi có dấu hiệu biến đổi màu sắc. Nên bảo quản insulin trong tủ lạnh hoặc túi mát, chú ý không để insulin trong tủ đông lạnh.
- Giữ nước: Thời tiết nắng nóng gây đổ nhiều mồ hôi, hoặc đường huyết tăng cao khiến tiểu nhiều gây mất nước. Người bệnh cần uống nhiều nước hơn. Nên mang nước theo bên mình nếu lao động hoặc hoạt động ngoài trời.
Uống nước từng ngụm, không uống một lần quá nhiều nước. Không giải khát bằng nước ngọt, nước có gas hay nước ép trái cây gây tăng đường huyết.
Ngoài ra, khi ra ngoài nắng nhớ mặc áo dài tay, quần rộng, đội mũ và đeo kính râm. Nên thoa kem chống nắng ở mặt và vùng da hở từ 15 - 30 phút trước khi ra nắng.
Khi bị kiệt sức vì nóng, mất nước sẽ có các triệu chứng bao gồm: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, co thắt dạ dày, da nhợt nhạt. Ngay lập tức, cần di chuyển đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi. Sau đó, đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết không có một loại thực phẩm nào có thể giúp giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả, nhưng nếu bạn thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh có thể giúp thúc đẩy lượng đường trong máu ổn định hơn.
- Bông cải xanh: Một trong những nguyên lý của chế độ ăn giảm lượng đường trong máu là tăng cường thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày.
Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa để giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Chất xơ có nhiều trong các loại rau họ cải, trong đó bông cải xanh là lựa chọn hiệu quả.
- Các loại hạt và quả hạch: Hạnh nhân, óc chó, mắc ca… chứa nhiều chất béo lành mạnh, chất xơ và là một nguồn protein thực vật tốt. Bộ ba chất dinh dưỡng này giúp ổn định phản ứng đường huyết của cơ thể sau khi ăn.
- Quả mâm xôi: Nhiều loại trái cây rất giàu đường tự nhiên, có nghĩa là chúng có xu hướng làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng quả mọng, đặc biệt là quả mâm xôi chứa nhiều chất xơ, một chất dinh dưỡng giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
- Yến mạch: Là loại ngũ cốc nguyên hạt tuyệt vời tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Nó cũng nằm trong danh sách thực phẩm hàng đầu giúp ổn định lượng đường trong máu, tốt cho người bệnh đái tháo đường.
- Quả bơ: Quả bơ chứa đầy chất béo lành mạnh. Chất béo trong quả bơ là chất béo không bão hòa đơn có tên là axit oleic có lợi cho tim.
Quả bơ cũng chứa nguồn chất xơ dồi dào và rất giàu magiê, có thể giúp điều chỉnh sự hấp thụ insulin và glucose để giảm lượng đường trong máu, giữ cho lượng đường trong máu ổn định.