Tập truyện ngắn "Sự tích suối mẹ con" của tác giả Khúc Hà Linh là món quà ý nghĩa mà phụ huynh có thể dành tặng cho con trẻ nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 này.
Tác giả Khúc Hà Linh sinh năm 1946, quê ở Chí Linh được bạn đọc Hải Dương biết đến ở nhiều lĩnh vực viết văn, làm báo, sáng tác kịch bản sân khấu, viết lời mới cho các làn điệu chèo... Lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn. Riêng văn chương, ông đã sáng tác thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, bút ký...
Thế nhưng, khi "Sự tích suối mẹ con" trình làng, nó vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Là bởi ông đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" và đương nhiên, bạn đọc cũng sẽ tò mò tự hỏi một tác giả tuổi cao như thế sẽ viết truyện cho thiếu nhi như thế nào? Chưa kể, khi văn đàn đang "khát" những cây bút viết cho thiếu nhi, bởi viết cho đối tượng này vốn khó, thì Khúc Hà Linh phải chăng là... liều? Nhưng khi cầm tập truyện nhỏ xinh, vỏn vẹn gần 80 trang với 11 truyện ngắn, tôi nhận định nó là món ăn "vừa miếng" và ý nghĩa đối với mỗi đứa trẻ.
Được Nhà Xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2023, nhưng tập truyện "Sự tích suối mẹ con" là tuyển tập những sáng tác dành cho thiếu nhi của Khúc Hà Linh trong mấy chục năm qua. Ông bảo đã muốn viết gì đó nhẹ nhàng mà có ý nghĩa dành cho các em từ những năm 1990.
Cái thông minh của Khúc Hà Linh ở chỗ ông chọn cách viết ngụ ngôn, lấy chuyện những con vật để hình tượng hóa, nhân cách hóa như con người, rồi nhẹ nhàng đem đến những bài học răn trẻ. Cách viết này không mới song khá hiệu quả, bởi thế giới muôn loài vốn đã được trẻ nhỏ yêu thích, nên tự nó có sức hấp dẫn để trẻ muốn khám phá. Cái riêng của Khúc Hà Linh là những tình huống thắt nút, cởi nút và giải quyết tình thế cuốn hút. Cứ thế, 11 truyện ngắn là 11 tình huống liên quan đến những con vật như những hỷ nộ ái ố trong cuộc sống con người lại được phơi bày. Bằng hành văn nhẹ nhàng, dí dỏm, không quên cài cắm những yếu tố liêu trai, cổ tích để dẫn dắt người đọc đi từ tình huống này đến tình huống khác, từ sự vật này để lý giải hiện tượng kia một cách có lý, rồi nhẹ nhàng giúp trẻ nhận ra bài học cho riêng mình.
Ví như ngay truyện đầu tiên của tập sách tác giả đã muốn gửi gắm thông điệp, dù sinh ra ta có gặp thiệt thòi thì lựa chọn cách sống tốt sẽ giúp ta tốt lên, đó là truyện "Chích chòe luyện nói".
Truyện kể về chú Chích Chòe có thân hình đẹp đẽ, lông mượt như nhung nhưng không biết vì đâu mà cậu ta lại có cặp mỏ thật xấu xí. Mỗi lần đi kiếm mồi, Chích Chòe rất tự ti bởi mỏ lệch khiến cậu ta không bắt được mồi, tiếng hót cũng trở nên méo mó... Trong khi tuyệt vọng thì bà tiên hiện ra chỉ cho Chích Chòe cách sửa. Nghe lời bà, mặc các bạn cười chê, Chích Chòe vẫn quyết tâm luyện tập hằng ngày. Hết học ở lớp với cô, Chích Chòe lại tự luyện tập, dần dần cái mỏ đã không còn bị lệch, tiếng hót dần thánh thót vang xa... Khi Chích Chòe đang rưng rưng hạnh phúc thì bà tiên hiện lên nói: "Phép màu đến từ khi con biết nói lời hay, suy nghĩ tốt đẹp về cuộc sống và những người xung quanh con".
Hay chuyện răn trẻ phải biết sống hiếu nghĩa với cha mẹ trong "Sự tích suối mẹ con". Truyện kể về hai mẹ con nhà mèo, mèo con vốn là con vật lười biếng, suốt ngày chỉ biết rúc vú mẹ. Nhưng một ngày mèo mẹ lăn ra ốm, không thể đi kiếm ăn, mèo con đành tự lực cánh sinh. Thế nhưng, tác hại của một đứa lười là chẳng biết làm gì. Lúc ấy, mèo con ân hận lắm. Nó quyết tâm tìm bác Cáo để xin học cách săn mồi. Luyện mãi, cuối cùng mèo con cũng bắt được con chuột đầu tiên. Lúc ấy, mèo con nghĩ ngay việc sẽ dành con chuột đó để tẩm bổ cho mẹ. Nhưng khi mèo con tha con chuột về nhà thì không thấy mẹ, vì mẹ cũng lo lắng đi tìm mèo con. Trên hành trình đi tìm mẹ ấy, mèo con vẫn cắp theo con chuột, có lúc gặp nguy hiểm tưởng như gục ngã nhưng mèo con vẫn kiên định giữ con mồi phần mẹ... Đọc câu chuyện, ai cũng sẽ rưng rưng xúc động về tình mẫu tử của mẹ con nhà mèo.
Cứ thế những câu chuyện nhân sinh đầy ý nghĩ được tác giả lý giải khéo léo, công phu để cho trẻ biết vì sao con trâu lại phải ăn cỏ và có da màu đen trong "Trâu đã xuống trần gian như thế"; Vì sao con mèo và con chuột lại ghét nhau trong "Tướng giữ thành"; Vì sao con hổ lại có màu vàng, lông vằn đen và khiến vạn vật sợ hãi trong "Chúa sơn lâm"... Chưa kể các độc giả nhí còn có cơ hội tìm hiểu thêm về quê hương của tác giả là mảnh đất Chí Linh với nhiều sự tích huyền bí trong "Gò con Ngựa"...
Tập truyện không chỉ giúp con trẻ hiểu được về thế giới muôn loài mà còn đem đến cách xử lý nhiều tình huống giúp trẻ dễ dàng áp dụng vào cuộc sống. Có thể thấy bằng cách kể ngắn gọn, dí dỏm, dễ hiểu, mỗi câu chuyện tác giả đem đến lời nhắn nhủ về lẽ sống lương thiện, nhân ái.