Hỏi: Bạn tôi gửi 100 triệu để làm từ thiện, có đưa danh sách cụ thể các nơi muốn gửi.
Nhưng tình hình cấp bách, có một hoàn cảnh khó khăn khác cần tiền gấp, tôi đã trích 30 triệu ủng hộ nhưng chưa báo cho bạn. Vậy tôi có phạm luật không?
PHẠM HÒA (Kinh Môn)
Trả lời:
Nhà nước khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện trong các trường hợp như:
Hỗ trợ người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; Hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố...; Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân…
Việc sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (điều 5 nghị định 93/2021/NĐ-CP).
Hành vi sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm b khoản 1 điều 10 nghị định 130/2021/NĐ-CP).
Như vậy, trường hợp bạn nhận tiền của người khác để làm từ thiện, có cam kết với người gửi tiền thì cần thực hiện theo đúng cam kết.
Ở tình huống này, người bạn của bạn gửi 100 triệu đồng để làm từ thiện theo danh sách cụ thể, tức là đã xác định rõ nội dung để bạn đại diện thực hiện thay họ.
Do đó, bạn nên thông báo ngay cho bạn biết việc đã trích 30 triệu đồng ủng hộ một hoàn cảnh khó khăn khác để được sự đồng ý của người này, tránh việc hiểu nhầm và tránh rơi vào trường hợp vi phạm theo quy định.
.