Việc khởi động lại dự án quy hoạch, xây dựng khu cố trạch nhóm Tự lực văn đoàn sau 13 năm "nằm yên" là cần thiết nhằm phát huy giá trị văn hóa, ghi nhận sự đóng góp của các nhà văn trong một giai đoạn lịch sử của văn học Việt Nam.
Khu cố trạch Tự lực văn đoàn đã xuống cấp và ít người qua lại
Gắn liền với tên tuổi của 3 anh em ruột nhà văn trụ cột trong nhóm Tự lực văn đoàn nhưng khu lưu niệm tại thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) bây giờ trở nên hoang vắng. Sớm xây dựng khu lưu niệm này là mong mỏi của người dân nơi đây.
Rêu phong phủ mờ
Nhắc đến phố huyện Cẩm Giang là nhắc đến Tự lực văn đoàn. Cẩm Giang là nơi sinh ra và lớn lên của 3 nhà văn trụ cột trong nhóm Tự lực văn đoàn gồm Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam.
Khu lưu niệm Tự lực văn đoàn được lập ra ở chính cố trạch (đất cũ) của anh em nhà văn Thạch Lam. Vị trí này cách ga Cẩm Giàng khoảng 100 m về phía đông. Ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 50 m2, nền lát gạch hoa luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Các cửa sổ phía trước đã bị bung, sân trước nhà vương đầy lá khô. Phía trong nhà có một ban thờ, bộ bàn ghế đơn giản, một chiếc giường và một số bức ảnh.
Theo tài liệu từ một số cuộc hội thảo khoa học trong và ngoài nước, khu lưu niệm Tự lực văn đoàn đang nằm ở chính mảnh đất từ xa xưa của gia đình nhà văn Thạch Lam để lại. Ông nội của nhà văn là cụ Nguyễn Tường Tiếp, quê ở Hội An (Quảng Nam), là Tri huyện Cẩm Giàng rồi nghỉ hưu tại đây. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Chiếu (tên húy là Nhu) làm Thông phán nên được gọi là Thông Nhu, phán Nhu hoặc Tường Nhu. Ông Nhu lấy bà Lê Thị Sâm, là con gái cả của cụ Lê Quang Thuật, người gốc Huế và làm quan võ ở Cẩm Giàng cùng thời cụ Nguyễn Tường Tiếp. Ông phán Nhu và bà Sâm sinh được 7 người con, trong đó có nhà văn Thạch Lam.
Năm 1918, khi ông phán Nhu mất, mẹ nhà văn Thạch Lam phải một mình buôn bán nuôi mẹ chồng và 7 người con. Khi đó, bà Sâm mua mảnh đất bây giờ đang có khu lưu niệm Tự lực văn đoàn. Thuở nhỏ, nhà văn Thạch Lam học tại Trường Nam tiểu học Hải Dương (nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu, TP Hải Dương). Khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy ra trường về dạy học ở Thái Bình thì cả gia đình về Thái Bình sinh sống. Nhưng chỉ một năm sau, cả gia đình lại chuyển về Hà Nội.
Thời gian sinh sống ở thị trấn Cẩm Giang, nhiều tác phẩm đặc sắc của anh em nhà văn đã ra đời, trong đó tiêu biểu là "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam (một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945) với hình ảnh phố chợ lúp xúp và những đứa trẻ chờ đoàn tàu lửa chạy qua...
Phía trong căn nhà lưu niệm chỉ có ít đồ đạc sơ sài
13 năm chưa xây dựng
Năm 1996, một tuyến đường của thị trấn được mang tên Thạch Lam. Nhiều hội thảo khoa học về Tự lực văn đoàn đã được tổ chức.
13 năm trước, ngày 17.12.2008, UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý về chủ trương quy hoạch khu cố trạch và giao UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND thị trấn Cẩm Giang (khi đó là thị trấn Cẩm Giàng) lập quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng năm 2008, hội thảo khoa học bảo tồn phát huy giá trị cố trạch Tự lực văn đoàn với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đã được tổ chức ngay tại thị trấn Cẩm Giang. Đến ngày 2.4.2009, UBND huyện Cẩm Giàng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch khu cố trạch Tự lực văn đoàn, có trách nhiệm tham mưu UBND huyện, hướng dẫn thị trấn lập quy hoạch. Cũng trong thời gian này, huyện Cẩm Giàng đã tổ chức hội nghị nghe đơn vị tư vấn báo cáo sơ bộ về quy hoạch. Sau đó quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu niệm đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, UBND huyện Cẩm Giàng phê duyệt, UBND thị trấn được giao làm chủ đầu tư... Tuy nhiên từ đó đến nay, việc quy hoạch bị dừng lại và chưa biết khi nào triển khai.
Sau khi có chủ trương xây dựng khu lưu niệm và các hội thảo về Tự lực văn đoàn gây được sự chú ý, khu lưu niệm đã đón nhiều nhà sử học, nhà văn trong nước, quốc tế, các đoàn sinh viên và những người yêu thích văn chương. Con gái nhà văn Thạch Lam, 2 con trai nhà văn Nhất Linh, các cháu dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An và từ Mỹ trở về thăm, đã trao lại sơ đồ kiến trúc "Trại văn chương" trước đây cũng như một số di vật của nhà văn Nhất Linh.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Cẩm Giang, có lẽ đây là khu lưu niệm Tự lực văn đoàn duy nhất ở Việt Nam, đặc biệt lại là cố trạch của 3 anh em ruột nhà văn chủ lực trong nhóm Tự lực văn đoàn. Vì thế, khởi động lại dự án là rất cần thiết nhằm phát huy giá trị văn hóa, ghi nhận sự đóng góp của các nhà văn trong một giai đoạn lịch sử của văn học Việt Nam.
TIẾN HUY