Đời sống văn hóa

Người trăn trở với phố huyện văn chương

LÊ HƯƠNG 27/04/2024 19:00

Bằng tình yêu và niềm tự hào về nơi mình sinh ra, ông Trần Quang Thông, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Cẩm Giàng, nay là thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã dành cả đời trăn trở cùng phố huyện văn chương.

00:00

img_2337.jpg
Ông Trần Quang Thông với các em học sinh trên cố trạch Tự lực văn đoàn

Tâm huyết với Tự lực văn đoàn

Thị trấn Cẩm Giang là nơi gắn liền với Tự lực văn đoàn (gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu). Đặc biệt, mảnh đất này đã sinh ra, nuôi dưỡng tâm hồn 3 anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Nhiều hình tượng nổi tiếng trong văn học như An và Liên (truyện ngắn Hai đứa trẻ), mẹ Lê (truyện ngắn Nhà mẹ Lê)… của nhà văn Thạch Lam đều bắt nguồn từ những con người có thật ở đây.

Chính vì vậy, đến với thị trấn nhỏ này, thật thiếu sót nếu không tìm đến cố trạch (nhà cũ) của Tự lực văn đoàn. Và với du khách ở xa đến, muốn tìm hiểu về Tự lực văn đoàn, theo như người dân ở đây “phải tìm đến ông Thông”.

Không cần thù lao, nhiều năm nay, các đoàn nghệ sĩ hay du khách gần xa tới Cẩm Giang, nếu ngỏ lời, ông Trần Quang Thông đều có mặt, nhiệt tình cung cấp thông tin, tư liệu về cố trạch và Tự lực văn đoàn. Ngay cả bà Nguyễn Tường Nhung, con gái nhà văn Thạch Lam, khi về thăm chốn cũ, trại Cẩm Giàng xưa - linh hồn của nhóm Tự lực văn đoàn, bà đã viết một bức thư đầy cảm xúc, biết ơn ông Thông giúp bà hồi tưởng quá khứ và “như nhìn thấy lại những người thân đã từng sống nơi đây”…

Vào khoảng năm 2005, ông Thông cùng một số người tâm huyết như nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương Tăng Bá Hoành, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương Khúc Hà Linh đã lặn lội vào Hội An (Quảng Nam) để tìm hiểu về nguồn gốc dòng họ Nguyễn Tường (của anh em nhà văn Thạch Lam). “Kết quả, dòng họ Nguyễn Tường đúng là có gốc tích từ Hội An nhưng một nhánh ra ngoài này làm ăn, sinh sống từ lâu. Trong đó có gia đình nhà văn Thạch Lam”, ông Thông nói. Điều đó càng khiến ông Thông tự hào. Ngày nay, mồ mả cha ông của nhánh họ Nguyễn Tường này vẫn còn ở Cẩm Giang. Cứ vài năm, con cháu khắp nơi lại trở về quần tụ…

img_2386.jpg
Mong mỏi lớn nhất của ông Thông là khu lưu niệm Tự lực văn đoàn được xây dựng trên cố trạch

Năm 2008, Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự lực văn đoàn được tổ chức với sự góp mặt của nhiều nhà sử học nổi tiếng trong nước. Ông Thông là người có công lớn trong việc thu thập tài liệu, tổ chức hàng loạt các hoạt động bên lề nhằm góp phần khẳng định giá trị văn chương của Tự lực văn đoàn, một trường phái, phong trào cách tân văn học, đồng thời là phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội, đại diện cho khuynh hướng lãng mạn, hiện đại hóa của văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.

Ông Thông cho biết, cả đời ông công tác tại địa phương hay tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng chỉ để có điều kiện và cơ hội làm được điều gì cho Tự lực văn đoàn. Mấy chục năm làm nhiếp ảnh, ông đoạt giải nhất huy chương vàng toàn quốc Cuộc thi ảnh nghệ thuật chủ đề lao động năm 1986 nhưng đó chưa phải là công trình lớn nhất cuộc đời ông. “Mong mỏi lớn nhất của tôi là khu lưu niệm Tự lực văn đoàn được xây dựng trên cố trạch. Đó mới là công trình lớn nhất của cuộc đời tôi”, ông Thông nói.

Tác giả của những tên đường

Đi dọc những con đường rợp tán lá xanh ở phố huyện Cẩm Giang với những cái tên: Độc Lập, Thạch Lam, Chiến Thắng, Vinh Quang, Thanh Niên, Phố Ga… tôi hỏi:

- Tác giả tên những con đường này là ai?
Lập tức, tôi được một người dân hỏi lại:

- Chắc chị ở nơi khác đến? Bởi ở đây, ai cũng biết ông Thông là người đã đặt tên cho những con đường quen thuộc này.

img_2379.jpg
Độc Lập là tuyến đường chính của thị trấn Cẩm Giang, 1 trong 6 tuyến đường được ông Thông tham gia đặt tên

Năm 1958, thị trấn Cẩm Giàng được thành lập (tách từ xã Kim Giang) nhưng tới tận năm 1994 vẫn chưa có tên phố, tên đường. Mọi giao dịch hành chính của người dân gặp khó khăn. Năm 1995, lãnh đạo địa phương trăn trở về việc đặt tên đường nhưng làm sao phải phù hợp thực tế, gần gũi với đời sống người dân và đặc biệt phải mang nét riêng, văn hóa, thể hiện mảnh đất văn hiến.

Từ tình yêu quê hương, gạn đục khơi trong, ông Thông lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Cẩm Giàng đưa ra ý tưởng về bộ tên đường: Độc Lập (gắn với sự kiện ngày thành lập thị trấn Cẩm Giàng 19/9/1958, với ý nghĩa Cẩm Giàng chính thức trở thành đơn vị hành chính mới); Vinh Quang (đây là nơi giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh 17/8/1945, với ý nghĩa vinh quang truyền thống cách mạng); Phố Ga (gắn với kỷ niệm từ khi có ga Cẩm Giàng cách đây hơn 100 năm trong tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Các nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Thạch Lam cũng bắt nguồn ở con phố này); Thạch Lam (là nhà văn nổi tiếng, sinh ra, lớn lên và có các tác phẩm dấu ấn gắn với thị trấn Cẩm Giàng)…

Sau khi lấy ý kiến nhân dân, tạo sự lan tỏa, đồng thuận, cuối năm 1995, HĐND thị trấn Cẩm Giàng đã thông qua các tờ trình về đặt tên đường phố, số nhà. Vậy là 6 tuyến phố trong thị trấn được lắp biển tên. Trong đó, tuyến phố chính gần 1 km của thị trấn được đặt tên Độc Lập. Phố Ga ngắn nhất chỉ có hơn chục nóc nhà nhưng đã trở thành biểu tượng, linh hồn của thị trấn hàng chục năm qua…

LÊ HƯƠNG
(0) Bình luận
Người trăn trở với phố huyện văn chương