Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng giá cá lồng vẫn giữ ổn định, người nuôi vẫn có lãi. Để duy trì giá bán ổn định, thị trường tiêu thụ tốt, các hộ cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì đầu tư dàn trải.
Mặc dù tiêu thụ chậm, nhưng giá nhiều loại cá lồng giữ ở mức ổn định, người nuôi có lãi
Giá ổn định
Dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh đã làm giá nhiều loại nông sản, hàng hóa giảm, người dân thua lỗ. Tuy nhiên, giá các loại cá lồng chỉ giảm nhẹ từ 5 - 10% so với trước Tết. Đây cũng là tín hiệu vui với người nuôi cá lồng trong tỉnh. Cụ thể, giá cá điêu hồng 35.000 - 38.000 đồng/kg; cá trắm, cá lăng từ 50 - 55.000 đồng/kg, cá chép 58.000 - 60.000 đồng/kg; cá trắm, chép giòn từ 110.000 - 150.000 đồng/kg... Với giá bán này, nếu tiêu thụ được, người nuôi vẫn thu lãi.
Như nhiều hộ khác trong tỉnh, dịch Covid-19 đã làm phần lớn lượng cá nuôi lồng bè của ông Đào Văn Đại ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) bị tồn đọng. Mặc dù bán chậm nhưng ông vẫn phấn khởi vì giá cá không giảm nhiều. "Khác với các loại nông sản, hàng hóa khác, thời vụ nuôi cá có thể kéo dài, cá vẫn tăng trọng nên không lo thua lỗ. Tôi đang bán cá trắm, chép trọng lượng từ 3 - 5 kg/con cho các hộ nuôi làm phôi cá giòn", ông Đại nói.
Cơ sở nuôi cá lồng bè của anh Lương Quang Nam ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Trong thời gian phong tỏa, mọi hoạt động của cơ sở đều bị "đóng băng" không thể tiêu thụ. Chỉ sau khi thôn hết cách ly y tế, việc tiêu thụ cá mới trở lại bình thường. Sản phẩm chủ lực của cơ sở này là chép giòn. Hiện cá chép giòn vẫn giữ ở mức 125.000 đồng/kg, chỉ giảm nhẹ so với trước Tết và cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong số ít năm cá giòn duy trì ở mức giá cao. Theo anh Nam, giá cám đã tăng gần 40.000 đồng/bao (20 kg) nhưng giá đậu tằm lại đang giảm hơn một nửa so với trước xuống còn 10.000 đồng/kg. Tính ra, giá thành mỗi kg cá giòn khoảng 80.000 đồng/kg. Mặc dù tiêu thụ chậm nhưng mỗi ngày cơ sở của anh Nam bán được từ 4 - 5 tạ, thu lãi khoảng 4 triệu đồng/tạ.
Các hộ nuôi cá cần nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì đầu tư dàn trải như trước
Nâng cao chất lượng, tìm thị trường mới
Hải Dương là một trong những tỉnh có số lượng nuôi cá lồng bè lớn ở khu vực miền Bắc. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 lồng nuôi cá, tập trung trên các tuyến sông Kinh Thầy, Thái Bình... Cá lồng là một trong số ít loại hàng hóa duy trì được giá cả ổn định trong dịch, thị trường tiêu thụ chính ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh ở khu vực phía Nam. Dịch bệnh dẫn đến tiêu thụ sản phẩm khó khăn, trong đó có cá lồng. Để đẩy mạnh tiêu thụ, một trong những giải pháp cần thực hiện là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mặc dù cá tiêu thụ chậm nhưng anh Nam không vì thế mà lo lắng. Thay vì chờ thương lái tới hỏi mua, anh vừa chủ động tìm thị trường mới, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm. "Cá giòn càng nuôi lâu thịt cá càng giòn nên được khách hàng ưa chuộng hơn. Cơ sở của tôi nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc nên giá bán cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với các hộ nuôi thông thường. Tôi đang tìm hiểu để mở rộng thị trường thay vì bó hẹp ở những bạn hàng truyền thống như trước", anh Nam cho biết.
Nghề nuôi cá lồng đã giúp kinh tế nhiều hộ trở lên khấm khá nhưng vốn đầu tư cao. Trung bình, kinh phí đầu tư mỗi lồng cá từ 200 - 300 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ giảm, cá bán chậm khiến các hộ nuôi gặp khó khăn trong quay vòng vốn. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống. Để giúp các hộ khôi phục sản xuất, ngoài việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, giãn nợ, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì đầu tư ồ ạt như trước.
TRẦN HIỀN