Người làm nghề "trồng người"

19/11/2019 14:31

Sở dĩ nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất bởi đó là nghề "trồng người".

"Tôn sư trọng đạo" đã là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo".

Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt quý trọng những người làm nghề dạy học. Với người thầy, dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn dạy làm người. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý.

Sở dĩ nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất bởi đó là nghề "trồng người". Người làm nghề "trồng người" không chỉ có kiến thức rộng, tầm nhìn sâu mà còn phải là một tấm gương sáng về nhân cách và phẩm hạnh.

Người dân Việt Nam với truyền thống hiếu học từ ngàn xưa luôn tôn sư, trọng đạo; "tiên học lễ, hậu học văn" là phương châm của giao dục, là đạo lý của dân tộc. Sinh thời Bác Hồ đã khẳng định: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản… Người thầy giáo là người vẻ vang nhất”.

Đáp lại sự tôn vinh và quý trọng, sự quan tâm của của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của các thế hệ học trò, hầu hết các thầy giáo, cô giáo đã lao động hết mình. Vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả, người thầy thắp đèn dầu để soạn bài, chuẩn bị bài giảng nơi sơ tán trong chiến tranh; khắc phục thiếu thốn của thời bao cấp và áp lực công việc từ đòi hỏi của quá trình hội nhập trong đổi mới; vượt qua mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường...

Đội ngũ thầy giáo, cô giáo đã hoàn thành trọng trách "trồng người", đào tạo những thế hệ tương lai, ươm trồng những hạt giống, đó là những nhân tài, những người lao động, những cán bộ đáp ứng sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước.

Rất nhiều thầy giáo, cô giáo là những tấm gương mà chúng ta mãi mãi phải tôn vinh vì sự hy sinh của họ cho sự tiến bộ của học sinh, cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, ở thôn quê vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Đã có không ít giáo viên phải tìm đến tận nhà các em học sinh nghèo để xin cha mẹ tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường.

Có em được hỗ trợ thêm một phần chi phí từ lương, khẩu phần ăn của thầy cô, dù chính bản thân họ cũng chẳng dư dả gì. Nhưng đó là tình người với người, là lương tâm nghề nghiệp. Đối với những người làm nghề "trồng người" không có gì hạnh phúc hơn là được nhìn những hạt giống mình chăm sóc trưởng thành và có ích cho xã hội.

Chúng ta cũng không khỏi đau lòng trước các hiện tượng giáo dục bị “thị trường hóa”, một bộ phận thầy cô giáo đã bàng quan, biến chất, không đủ đức, đủ tài để gánh vác trọng trách vẻ vang đó. Đây là những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất đi sự tôn kính đối với người thầy và nguy hại cho xã hội.

Muốn hoàn thành được vai trò, trọng trách vẻ vang thì “thầy phải ra thầy”. Nghĩa là thầy phải yêu nghề, yêu người, có tri thức khoa học, có đạo đức cách mạng, có chí khí cao thượng, có hoài bão vươn lên.

Ngày 20.11 lại về, xin gửi đến tất cả thầy cô giáo đang làm nghề trồng người một đóa hoa tươi thắm bằng cả tấm lòng thành kính biết ơn. Kính chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục nghề trồng người cao quý của mình.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người làm nghề "trồng người"