Xã Thúc Kháng là địa phương điển hình trong tích tụ ruộng đất ở huyện Bình Giang, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao giá trị cây lúa.
Xã Thúc Kháng có khoảng 10 mô hình tích tụ ruộng đất rộng từ 5 ha trở lên
Nắm trong tay gần 5 ha đất lúa, mỗi vụ, ông Hoàng Đình Dương, ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Theo ông Dương, giờ đây, người nông dân không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nữa. Từ khâu làm đất, gieo cấy, đến thu hoạch, vận chuyển, thậm chí cả khâu chế biến và bảo quản đều có máy móc hỗ trợ. Ông Dương từng gắn bó với nghề làm vàng bạc gần một nửa thế kỷ. Quyết định chuyển từ nghề truyền thống của cha ông, tập trung làm nông nghiệp, ông Dương đã phải cân nhắc rất nhiều. Ông Dương chia sẻ, khoảng năm 2013, 2014, nhiều hộ nông dân ở quê ông đã bỏ ruộng, không thiết tha với cây lúa. Nhiều người có ruộng sẵn sàng giao không cho ai muốn canh tác lúa. Tiếc những thửa ruộng bờ xôi ruộng mật mà bỏ không, ông quyết tâm dồn lại để cấy cả cánh đồng. Để có được những cánh đồng mẫu lớn trải dài tít tắp, máy cày, máy cấy chạy thẳng sức, ông Dương đã phải đến từng nhà có ruộng chung trên một cánh đồng để thuê đất rồi dồn thành từng lô lớn. Những hộ vẫn có nhu cầu cấy, ông sắp xếp tại những vị trí riêng. Có được cả những cánh đồng lớn, ông đầu tư máy cấy vừa phục vụ gia đình, vừa cấy thuê cho bà con ở địa phương.
Ông Dương cho biết: "Mỗi sào lúa trừ chi phí chỉ còn lãi 500.000-600.000 đồng/vụ. Kể cả khi giá phân bón lên cao, chi phí tăng lên, mỗi sào vẫn lãi từ 300.000-400.000 đồng/sào/vụ. Tích tiểu thành đại, canh tác với diện tích lớn thì cũng thu lợi nhuận lớn".
Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Đỗ Thị Sổ cùng ở thôn Châu Khê vẫn nhận cấy hơn 9 ha lúa. Ngoài gom ruộng của những người cùng làng, bà Sổ còn nhận cấy lúa cho người ở làng Tranh Ngoài (cùng xã Thúc Kháng). Bà Sổ cho biết: “Làm nông nghiệp bây giờ có máy móc hỗ trợ nên không mất nhiều thời gian, công lao động như ngày trước. Chỉ mấy ngày thời vụ bận rộn, còn lại rất thảnh thơi”. Theo bà Sổ, dù thu nhập không cao như thợ làm vàng bạc hay công nhân ở các doanh nghiệp, nhưng với những người ngoài 60 tuổi như bà, cây lúa vẫn mang lại thu nhập ổn định. Vì thế, còn sức khoẻ thì bà vẫn sẽ gắn bó với cây lúa.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (ảnh do cơ sở cung cấp)
Xã Thúc Kháng có 524 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa rộng 483 ha. Toàn xã có khoảng 10 mô hình tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên, điển hình như thôn Châu Khê và thôn Ngọc Cục. Đặc biệt có 1 mô hình tích tụ ruộng đất trên 20 ha. Một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư các loại máy cày, máy cấy, máy gặt lúa... để phục vụ sản xuất. Có nông dân còn thử nghiệm trồng các loại lúa chất lượng cao như ST25 (gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới).
Theo ông Nguyễn Thành Cử, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thúc Kháng, các hộ tích tụ ruộng đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch, thậm chí cả việc phun thuốc trừ sâu cũng sử dụng thiết bị bay không người lái. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giảm chi phí các khâu từ 25-30% so với trước. Trong khi đó, năng suất lúa tăng khoảng 20%. Sức lao động được giải phóng đồng thời giải quyết tình trạng thiếu lao động tại địa phương. Việc canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn còn giúp thay đổi thói quen, tập quán canh tác truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới xã Thúc Kháng tập trung phát triển sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân.
HÀ NGA