Tuyên bố nêu trên của Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski được đưa ra tại cuộc thảo luận kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO, nhưng ông từ chối nêu tên các quốc gia cụ thể có liên quan.
Đài Sputnik của Nga tối 10/3, theo giờ địa phương, cho biết trong phiên thảo luật ở một sự kiện kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được phát sóng trên kênh YouTube Sejm RP, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng Một số nước NATO đã gửi quân đội của họ tới Ukraine.
Ngoại trưởng Ba Lan nói thêm rằng ông sẽ không tiết lộ quốc gia nào đã gửi quân đội của họ đến đó, “không giống như một số chính trị gia”.
Trước đó, ông Sikorski nói rằng sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine "không phải là không thể tưởng tượng được", đồng thời đánh giá cao sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng đưa binh sỹ phương Tây tới Ukraine.
Về phía Ba Lan, Tổng thống nước này, ông Andrzej Duda bày tỏ quan điểm rằng Warsaw cần xây dựng một sân bay lớn để vận chuyển quân NATO.
Vào cuối tháng 2, ông Macron nói rằng Pháp sẽ làm mọi cách để ngăn Nga "giành chiến thắng” trong cuộc chiến tại Ukraine. Theo ông Macron, lãnh đạo các nước phương Tây đã thảo luận về khả năng gửi binh sỹ tới Ukraine và mặc dù chưa đạt được sự đồng thuận nào về vấn đề này, nhưng “không có gì có thể bị loại trừ”.
Sau đó, Tổng thống Pháp, người bị chỉ trích gay gắt vì phát biểu của mình, lưu ý rằng mọi lời nói của ông đều được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời nhấn mạnh Paris “không có giới hạn hay ranh giới đỏ” trong vấn đề hỗ trợ Kiev.
Sau phát biểu liên quan của ông Macron, chính phủ nhiều nước châu Âu khẳng định không có kế hoạch đưa quân sang Ukraine.
Đặc biệt, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nhấn mạnh Đức sẽ không cử binh sỹ tới Ukraine. Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Đức nói rõ rằng các nước NATO nói chung sẽ không làm điều này.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cũng nói rằng Pháp và Ba Lan không có quyền lên tiếng thay mặt NATO và sự can thiệp của liên minh quân sự này vào cuộc xung đột ở Ukraine sẽ làm biến mất giải pháp ngoại giao.
Bình luận về tiết lộ của Ngoại trưởng Ba Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nói với Sputnik rằng các thành viên của NATO "không thể che giấu” được điều đó nữa.
Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang Nga vào ngày 29/2, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng quân đội nước thành viên NATO nào đưa quân tới Ukraine có thể sẽ phải hứng chịu bi kịch.
Trước đó hai hôm, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev đã đưa ra quan điểm sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu khả năng gửi quân tới Ukraine.
Theo đài RT, ông Kosachev cảnh báo, cách tiếp cận mà nhà lãnh đạo Pháp thể hiện có nguy cơ khiến tình hình trở thành "thảm kịch", đồng thời nói rằng động thái này sẽ không được Điện Kremlin chấp nhận.
"Đó sẽ không phải thời điểm NATO bắt đầu tham gia vào cuộc chiến, mà sẽ được hiểu là sự tham gia trực tiếp của NATO vào các hành động thù địch, thậm chí tuyên chiến với Nga", nghị sĩ hàng đầu của Nga tuyên bố.