Nghĩ về ''sự cố nước sông Đà''

18/10/2019 15:37

Dù với lý do gì, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là bắt buộc doanh nghiệp phải có nghĩa vụ bảo đảm an toàn cho một loại hàng hóa tương đối nhạy cảm: nước sinh hoạt.


Nhiều người dân thủ đô đã phải chịu đựng khổ sở trong những ngày nguồn nước cấp từ sông Đà bị nhiễm bẩn 

Thế là nước sông Đà đã được cấp trở lại cho một phần của Hà Nội. 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì (phía tây quốc lộ 1A), huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa... đã có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm.

Những lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà trước chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận khách hàng của doanh nghiệp này. Nhưng sự cố lần này đã "cắt nước" 100% khách hàng của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Nước sông Đà đứt nguồn, người dân Hà Nội phải trông chờ vào sự ứng cứu của các doanh nghiệp cấp nước khác và tự cứu mình. 

Như đã phản ánh, đến hôm 17.10, bình nước tinh khiết, nước đóng chai luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa tranh thủ tăng mức giá nước lên 10.000-20.000 đồng/bình so với trước đây, nhưng cư dân vẫn phải nhắm mắt mua vì "không biết đến bao giờ mới được cấp nước trở lại".

Trái với sự khẩn trương của người dân vùng "nước sông Đà", phản ứng của chính quyền và doanh nghiệp cấp nước lại khá hờ hững. Từ ngày 8-10, khi có xe tải đổ trộm dầu thải thì phải đến ngày 15-10, trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới chính thức thông tin về sự việc: "Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8-10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn mà cứ để trôi vào nhà máy, rồi nhiễm vào nguồn nước".

Như vậy, sự cố "mất nước sông Đà" thể hiện một lỗ hổng "siêu to" trong quá trình khai thác, vận chuyển, cung cấp nước sạch. An ninh nguồn nước hay đơn giản là chuyện nguồn nước bị nhiễm độc, vỡ ống dẫn nước... có thể xảy ra vì một lý do khá lãng xẹt: một máy thi công công trình vô tình xúc phải đường ống, một tài xế lén đổ dầu thải đâu đó trong khu vực đất hoang thuộc tỉnh Hòa Bình...

Nhưng dù với lý do gì, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là bắt buộc doanh nghiệp, dù là thuộc quyền quản lý của Nhà nước hay tư nhân, phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho một loại hàng hóa tương đối nhạy cảm: nước sinh hoạt.

Nói thêm về sự cố "mất nước sông Đà". Trong sự cố này, ngoài sự khó chịu khi đọc tin tư thương tranh thủ tăng giá thì vẫn thấy ánh lên tình người giữa những cá nhân đang cư ngụ tại thủ đô. Có thanh niên nhường người già, phụ nữ lấy nước trước. Có người rao trên Facebook rằng "nếu ai cần nước sinh hoạt thì qua... lấy miễn phí vì "nhà em còn bể tích nước riêng". 

Một bạn khác thì dành 3 phòng trống tại một điểm kinh doanh của gia đình cho các bà mẹ có con nhỏ qua sử dụng để tắm rửa cho các cháu. "Phòng tắm có bếp và đủ thiết bị để nấu cho các cháu ăn uống".

Vậy đó, người thủ đô dù trong khó khăn vẫn đủ điềm tĩnh để sẻ chia với nhau. Khó khăn có vẻ là chất keo kết dính mọi người. 

Nhưng nói thế không phải để tha thứ cho những thủ phạm của sự cố "đổ dầu thải vào nguồn nước sạch của thủ đô". Đã đến lúc phải có người đứng ra chịu trách nhiệm, cả dân sự lẫn hình sự trong vụ việc này, chứ không chỉ là một biện pháp hành chính không đủ "gãi ngứa" cho một doanh nghiệp lớn với địa bàn kinh doanh bao phủ cả nước.

TRẦN ANH TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩ về ''sự cố nước sông Đà''