Sau khi bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, Chính phủ Nam Phi đã tái khẳng định cam kết thực hiện các cải cách kinh tế thiết yếu nhằm vực dậy đà tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa
Thực tế cho thấy vực dậy nền kinh tế đang là một trong những bài toán khó của chính quyền Tổng thống Cyril Ramaphosa.
Nỗ lực vực dậy nền kinh tế
Nam Phi từng được coi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, song nền kinh tế nước này đã xuống dốc trầm trọng trong gần một thập kỷ qua dưới sự điều hành của Tổng thống Jacob Zuma, người đã từ chức hồi tháng 2.2018, chấm dứt 9 năm cầm quyền trước sức ép của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).
Dưới thời của cựu Tổng thống Jacob Zuma, sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước đã khiến cho nền kinh tế phát triển nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Nền kinh tế nước này bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp, có thời điểm bị xếp cuối bảng trong 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính, bao gồm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tài khoản vãng lai, mức độ rủi ro tín dụng và giá trị của thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Năm 2018, Ngân hàng dự trữ Nam Phi (SARB) đã từng phải cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 6,5% nhằm kiềm chế lạm phát do giá dầu tăng và đồng rand mất giá 13% so với đồng USD.
Chính vì vậy, kể từ khi Tổng thống Cyril Ramaphosa lên nắm quyền, Chính phủ Nam Phi đã rất nỗ lực đưa đất nước tìm cách thoát khỏi vòng xoáy suy thoái.
Chính phủ nước này nhận thấy rằng không thể tiếp tục đi theo con đường cũ tồn tại nhiều năm qua, mà cần tìm một con đường phát triển mới thông qua các biện pháp cụ thể như tăng thu từ thuế, tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của khu vực hành chính công và dịch vụ.
Tổng thống Ramaphosa đã đưa ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế tổng thể. Đây là gói kích cầu tổng thể ưu tiên chi tiêu cho các hoạt động có tác động lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp, kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn.
Một loạt biện pháp cấp bách cũng đã được đưa ra như lập nhóm chuyên gia kinh tế và tài chính nhằm thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài trong vòng 5 năm, hay đề xuất việc thành lập Quỹ đầu tư quốc gia (SWF).
Những cố gắng này cũng thu được một số kết quả. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FD) vào Nam Phi năm 2018 tăng hơn gấp đôi so với năm 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Với tư duy quản lý kinh tế thông thoáng và cởi mở của ông Ramaphosa, nền kinh tế Nam Phi đã bắt đầu nhận những tín hiệu khả quan. Song không thể phủ nhận nền kinh tế Nam Phi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh đã rơi vào suy thoái kéo dài, và những giải pháp trên vẫn được đánh giá là chưa đủ để vực dậy nền kinh tế èo uột.
Những đánh giá đáng lo ngại
Vào tháng 9, báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) cho biết nền kinh tế nước này đang rơi vào chu kỳ suy thoái kéo dài nhất kể từ năm 1945. Theo đó, nền kinh tế Nam Phi đã bước vào tháng thứ 70 liên tiếp của chu kỳ suy thoái.
Tăng trưởng kinh tế và niềm tin kinh doanh đã bị giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua do lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp. SARB cũng cho biết sẽ rất khó khăn để nền kinh tế Nam Phi có thể đạt mức tăng trưởng 2% cho đến năm 2021. Theo SARB, dự kiến tăng trưởng của nước này sẽ đạt mức 0,6% trong năm 2019, mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Còn theo một khảo sát vào tháng 8 vừa qua, niềm tin kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ khi nợ công gia tăng, giữa lo ngại từ khoản nợ của Công ty Điện lực nhà nước Eskom lên tới 30 tỷ USD, tác động lớn đến nguồn tài chính quốc gia và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 29%.
Viện Tài chính quốc tế Mỹ (IIF) trước đó cũng đã cho biết tỷ lệ nợ công của Nam Phi đang tăng nhanh, vượt ngưỡng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng quản lý tài chính của Chính phủ nước này. Sự gia tăng nợ công khiến Nam Phi trở thành nước có tỷ lệ nợ công hàng năm biến động lớn nhất trong số các nước tiểu vùng Sahara châu Phi và đứng thứ 5 trong số các thị trưởng mới nổi được đánh giá.
Theo giới chuyên gia, nợ công của Nam Phi là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp niềm tin của các nhà đầu tư vào nước này. Trong số các hãng xếp hạng tín nhiệm đầu tư quốc tế lớn, Moody’s là một trong những hãng hiếm hoi đánh giá Nam Phi ở mức chất lượng trung bình. Trong khi đó, S&P Global và Fitch, hai hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, còn xếp nền kinh tế Nam Phi ở mức thấp hơn nữa.
Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings ngày 22.11 vừa qua đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này, điều chỉnh triển vọng của Nam Phi từ "ổn định" sang "tiêu cực". Theo đó, S&P đã xếp hạng triển vọng nợ ngoại tệ dài hạn của Nam Phi ở mức "BB" và xếp hạng nợ nội tệ là "BB +". Song S&P không hạ cấp triển vọng nền kinh tế này xuống mức “yếu kém” (junk).
S&P cho biết mức đánh giá mới này là do tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Nam Phi hiện ở mức thấp, trong khi đà mở rộng của nền kinh tế còn yếu ớt, gánh nặng nợ công ngày càng tăng của Chính phủ, cùng những rủi ro chủ yếu gắn liền với công ty điện lực Eskom vốn đang chìm trong nợ nần.
Mặc dù vậy, mức xếp hạng của Nam Phi phần nào vẫn được hỗ trợ bởi chính sách linh hoạt tiền tệ của đất nước, khu vực tài chính được vốn hóa và điều tiết tốt, cùng thị trường vốn vững chắc. Nam Phi cũng có khoản nợ nước ngoài vừa phải, đặc biệt là mức nợ nước ngoài định giá bằng ngoại tệ khá thấp.
Song S&P cảnh báo rằng trừ khi Chính phủ Nam Phi thực hiện các biện pháp kiểm soát thâm hụt ngân sách và nhanh chóng thực hiện cải cách, các khoản nợ của nước này khó có thể ổn định trong giai đoạn dự báo kéo dài 3 năm tới.
S&P cũng cảnh báo sẽ hạ xếp hạng tín dụng của Nam Phi sâu hơn nữa nếu tình hình tài chính của nước này tiếp tục suy giảm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nợ trên GDP của Nam Phi đã tăng từ mức 50,6% cách đây hai năm lên 61% và dự kiến sẽ tăng lên trên 71% vào năm 2022.
Nhiệm vụ nặng nề
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng hiện tại của Nam Phi không chỉ là kết quả của việc thiếu vốn đầu tư hay kích cầu, mà còn là hậu quả của cơ chế quản lý kinh tế không phù hợp trong 10 năm qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với nhà lãnh đạo Ramaphosa trong thời gian tới sẽ là khẩn trương đưa ra các gói kích thích tăng trưởng nhằm vực dậy nền kinh tế, áp dụng chính sách tín dụng thuế ưu đãi đối với các công ty đầu tư vào lĩnh vực tạo ra việc làm ổn định, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước và giảm thiểu nạn quan liêu cửa quyền trong các dịch vụ hành chính công liên quan hoạt động kinh tế, tăng cường trao đổi thương mại nội khối với các quốc gia châu Phi và giảm phí kết nối Internet di động.
Trong khi đó, dù tổng số vốn đầu tư vào Nam Phi đã tăng đáng kể trong năm qua song chính quyền mới của ông Ramaphosa cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhằm xóa tan tâm lý bất an còn đọng lại từ chính phủ cũ.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), rủi ro lớn đối với tăng trưởng của Nam Phi hiện nay là lĩnh vực tài chính và hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, vực dậy các doanh nghiệp nhà nước (SOE) cũng đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ Nam Phi.
Báo cáo kiểm toán năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3.2019 do Tổng kiểm toán nhà nước Nam Phi (AGSA) Kimi Makwetu công bố ngày 20.11 vừa qua cho thấy 14 doanh nghiệp nhà nước và nhiều công ty trực thuộc của nước này đang đối mặt với những yếu kém về hiệu suất hoạt động cũng như tuân thủ quy định tài chính…
Trước thực trạng đáng quan ngại này, Chính phủ Nam Phi ngày 23.11 đã tái khẳng định cam kết thực hiện các cải cách kinh tế thiết yếu nhằm vực dậy đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo đó, Chính phủ, người lao động, doanh nghiệp và xã hội dân sự của Nam Phi cần hợp tác với nhau vì những quyết định khó khăn cần phải được đưa ra để xoay chuyển tình thế. Những quyết định này có thể dẫn đến các tác động ngắn hạn cho nền kinh tế và tài khóa của Nam Phi.
Hy vọng với những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Ramaphosa, nền kinh tế và hình ảnh của "Ðất nước Cầu vồng" sẽ được cải thiện trong thời gian tới, đúng như cam kết của Tổng thống Ramaphosa.
Theo TTXVN