Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc mở cuộc điều tra mới nhằm vào Trung Quốc dựa trên Khoản 301 của Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974, coi đây là một nỗ lực để bảo vệ ưu thế của Mỹ trong các công nghệ mới.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 2.3 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị tăng sức ép với Trung Quốc về chính sách trợ giá công nghiệp, tìm kiếm cách thức để bảo vệ ưu thế cho Washington trong các công nghệ mới, cho thấy chiều hướng chính sách kinh tế cứng rắn hơn của Washington trước Bắc Kinh.
Một số nguồn thạo tin cho biết trong triển khai chính sách thời gian tới, Nhà Trắng có thể mở cuộc điều tra mới liên quan đến việc Bắc Kinh trợ giá các ngành công nghệ được coi là chiến lược, dựa trên Khoản 301. Đây là điều khoản cho phép giới chức Mỹ làm rõ hành vi của đối tác thương mại, đưa ra các hành động trừng phạt nếu kết quả điều tra cho thấy đối tác vi phạm Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.
Mỹ cũng cân nhắc khả năng siết chặt hoạt động đầu tư của các công ty Mỹ tại Trung Quốc, tăng cường các quy định về kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm, đẩy mạnh hợp tác với đồng minh, đối tác tại châu Âu, châu Á nhằm trừng phạt hành vi trợ giá.
Động lực thúc đẩy Mỹ chọn cách tiếp cận cứng rắn đến từ việc nội bộ chính quyền Nhà Trắng đều tin rằng chiến dịch trừng phạt thuế của từ thời ông Donald Trump chưa đủ sức nặng để buộc Trung Quốc tuân thủ cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 16.2 đã công bố nghị trình thương mại năm 2022, khẳng định Mỹ đang cân chỉnh chính sách với Trung Quốc để loại trừ các hành vi thương mại phi thị trường của Bắc Kinh, nhưng không đề cập thông tin chi tiết về các biện pháp cụ thể.
Thay đổi này sẽ cho phép ông Biden chứng minh sự khác biệt đối với người tiền nhiệm Donald Trump - người đã áp dụng trừng phạt thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa tới thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một đầu năm 2020. Chính sách này về cơ bản vẫn được Mỹ duy trì hơn một năm sau khi ông Trump dời Nhà Trắng. “Chúng ta nhận thấy rằng ngày càng có nhiều tin hiệu về một cách tiếp cận đặc trưng của đảng Dân chủ”, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Quan hệ Mỹ-Trung lắng dịu sau thời điểm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Nhưng xu hướng này không kéo dài lâu, với nhiều mâu thuẫn nảy sinh sau đó liên quan nguồn gốc đại dịch COVID-19, vấn đề Đài Loan, Tân Cương… Về thương mại, giới lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng trước việc Washington về cơ bản vẫn giữ trừng phạt thuế từ thời ông Trump, mở rộng danh sách cấm vận nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Giới quan chức và cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra mới dựa trên Khoản 301 sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Bắc Kinh có thể đáp lại bằng các biện pháp trả đũa theo cách của riêng mình, như việc bổ sung thêm các công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, từ đó chặn số này tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Những người này cũng nhận định ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tháng tới đây là bảo đảm có được bước chuyển dịch êm thấm tại Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối năm nay. Ông Tập Cận Bình không muốn quan hệ Mỹ - Trung phát triển theo hướng đối địch, nhưng cũng sẽ không có ý định thỏa hiệp trong những vấn đề được coi là cốt yếu, trong đó có kinh tế - thương mại.
Nhiều nhà nhập khẩu tại Mỹ lên tiếng đòi Nhà Trắng thay đổi cách tiếp cận trừng phạt thuế, bởi đây là tác nhân khiến giá hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ tăng. Nhưng giới chuyên gia thương mại nhìn nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden ít có khả năng xem xét cắt giảm thuế ở cấp độ lớn tại thời điểm hiện nay, do Trung Quốc không hoàn tất cam kết. Sau hai năm, Trung Quốc mới chỉ thực hiện được 57% cam kết về tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, tính đến ngày 31.12.2021.
Mỹ chưa đưa ra phản hồi yêu sách về thực thi của Trung Quốc. Nhưng theo Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, chính quyền ông Biden đang mất dần kiên nhất và chuyển hướng xem xét một loạt các lựa chọn để xử lý những bất cập không chỉ có trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, mà còn liên quan đến các vấn đề cấu trúc khác.
Theo Báo Tin tức