Mùa xuân sớm trên "chiến hạm không bao giờ chìm"

11/02/2018 09:53

Chuyến đi chúc Tết do Vùng 1 hải quân tổ chức đã giúp chúng tôi, những người làm báo được cùng con tàu HQ634 đem chút ấm áp của mùa xuân đến sớm với đảo Bạch Long Vĩ...


Tết ở Bạch Long Vĩ vẫn có đào từ đất liền gửi ra

Bạch Long Vĩ xưa được gọi là đảo Vô Thủy, ẩn trong mình bao sự kiện lịch sử và kỳ tích. Đón mùa xuân Mậu Tuất về, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 1 Hải quân (bao gồm từ Móng Cái đến Hà Tĩnh) đã đưa chúng tôi, các nhà báo, đi chúc Tết trên hòn đảo này - hòn đảo theo lời Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân là "chiến hạm không bao giờ chìm".

Lần đầu tiên tôi lên tàu hải quân có 12nhà báo trong chuyến đi biển đảo này. Trong đó tôi là người cao tuổi nhất. Con tàu HQ 634 kéo còi, nhổ neo ra khơi lúc 17 giờ ngày 25.1 hướng về đảo Bạch Long Vĩ.  Hải quân, nhà báo gặp nhau mừng vui khôn xiết.

Trước khi đi, tôi đã hình dung đêm Hạ Long đèn sáng như sao sa, lấp lánh như ánh ngọc trong đêm thần tiên long lanh để rồi có những bài thơ hay ra đời. Sẽ ăn bào ngư, ăn cá thu tươi ngay sáng đầu tiên và đọc những tờ báo Tết tươi roi rói. Nhưng thực tế lịch trình không có một buổi nào trống với các hoạt động diễn ra liên tục. Chúng tôi đi cả đêm để ra đảo Bạch Long Vĩ lúc 6 giờ sáng. 7 giờ viếng nghĩa trang liệt sĩ, 8 giờ chúc Tết đồn biên phòng anh hùng Bạch Long Vĩ, 8 giờ 30 chúc Tết Ban quản lý cảng, 9 giờ tặng quà Trạm cảnh sát biển Bạch Long Vĩ, 9 giờ 20 chúc Tết các gia đình thanh niên xung phong (TNXP) tiêu biểu, 10 giờ chúc Tết trạm ra đa 27, 11 giờ chúc Tết Huyện ủy, UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ... Tóm lại là chương trình kín hết. Trưa ăn cơm Tết rất sang, có đủ hương vị Tết với bánh chưng, giò chả, nem... Tuy lịch trình dày đặc nhưng không hề cập rập do người chỉ huy, Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết làm việc rất khẩn trương, chính xác và hợp lý. Các đơn vị đón Tết đến đều có đào, quất và mai vàng tươi. Đơn vị cuối cùng chúng tôi đến đang gói bánh chưng Tết. Đó là một sự quan tâm và chuẩn bị cẩn thận của lãnh đạo Vùng 1 Hải quân. Những chiến sĩ hải quân đang gói những chiếc bánh chưng đầu tiên để đón Tết làm tôi nhớ ngày xưa chiều 28 Tết nhà tôi gói bánh chưng. Không khí Tết khiến các chiến sĩ cảm thấy được quan tâm, văn hóa Tết như được truyền lại cho thế hệ trẻ từ ngàn xưa làm người ta yêu quê nhà, yêu Tổ quốc hơn. Và như thế, người ta sẽ yên lòng cầm súng ra bảo vệ biên giới và hải đảo cho Tổ quốc ngàn năm bền vững.

Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết tuyên bố: "Ta đi chúc Tết lính đảo nên không phiền gì ở đảo cả mà ta còn có quà cho họ. Tất cả các chiến sĩ đều có Tết, tất cả các cơ quan đảng, chính quyền đều được chúc Tết và có quà. Thế là chu đáo và không làm phiền ai khi mình đến". Vì thế, các hộp quà, thiếp chúc Tết được chuẩn bị cẩn thận và đề chữ: "Vùng 1 Hải quân chúc mừng năm mới". Các thành viên trong đoàn đều tặng báo và sách, quà cho các chiến sĩ đảo Bạch Long Vĩ. Đặc biệt, các nhà báo Hải Dương còn tặng bánh đậu xanh cho lính đảo.


Lính đảo Bạch Long Vĩ gói bánh chưng đón Tết Mậu Tuất

Tôi cao tuổi nhất đoàn nên được Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết mời ăn cơm cùng vợ chồng ông. Ông kể về đảo Bạch Long Vĩ thiếu nước ngọt và cách khắc phục của các chiến sĩ: "Vo gạo xong, lắng lại, lấy nước đó rửa rau. Rửa rau xong, lấy nước đó để rửa chân. Rồi lại lấy nước đó dùng tưới cây rau hay lấy nước nấu cám cho lợn. Tóm lại là tiết kiệm đến mức tối đa".

Những chuyến ra Bạch Long Vĩ không ai dám tắm vì không đủ nước. Có câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Một cậu lính thèm tắm, mà nước ngọt thì thiếu, trong khi đã nhiều ngày chưa tắm trong tiết mùa hè nóng thật khó chịu. Nhân trên tàu có một lồng ngan mới mua từ Hải Phòng, cậu ta thả một con ngan xuống biển và hô con ngan bị xổng, rồi nhảy xuống biển bắt lại con ngan. Thế là kiểu gì cũng phải ưu tiên nước cho cậu ta tắm dù chỉ một xô nước ngọt. Nghĩ mà thương lính.

Nước ngọt ở Bạch Long Vĩ trước đây hiếm lắm. Bây giờ nhiều tàu đời mới, họ có phin lọc máy để lọc nước mặn thành nước ngọt nhưng giá khá đắt. Còn rau ở đảo Bạch Long Vĩ rất hiếm vì rất khó trồng. Thường là không đủ rau, phải mang từ Hải Phòng ra. Trồng được rau trên biển phải che gió kẻo gió biển đông bắc mặn thổi vào là rau chết. Thường dùng bã chè rải lên gốc rau để hạn chế nước bốc hơi và giữ ẩm. Mỗi chuyến đi biển về dân chài đổi cá của họ lấy rau tươi. Cá thì nhiều mà rau thì ít. Ở các đảo, các chiến sĩ tự túc rau, cá thịt, không phải mua ngoài chợ.  

Nghe chuyện của anh Quyết, tôi hình dung ra những năm đã qua, hải quân ta sống gian khổ như thế nào.

Lúc gặp mặt các chiến sĩ hải quân, Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Tuyên truyền, báo chí, xuất bản Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương hỏi to: "Có ai là đồng hương Hải Dương không?". Những tiếng hô dõng dạc: "Báo cáo, có tôi, thiếu tá Vùng 1 Hải quân". Một tiếng hô khác: "Báo cáo, có tôi, đại úy thuộc Trạm ra đa 27". Và cứ nghe báo cáo, báo cáo... như thế, tôi cảm động lạnh sống lưng và muốn chảy nước mắt khi nghe câu nói thân thương mang âm thanh tỉnh Đông ấy ở nơi biển đảo tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc.

Bạch Long Vĩ, tôi đã biết đến cái tên này khi nghe bài hát "Bạch Long Vĩ đảo quê hương" của Huy Du ngày tôi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cách đây nửa thế kỷ. Nhưng hôm nay đến thăm đảo, nghe báo cáo của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường, tôi rất tự hào và tin tưởng. Trong 9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 thì 8 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mức. Với đà này, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ mở ra một triển vọng tốt đẹp cho Bạch Long Vĩ nói riêng và Hải Phòng nói chung. Tôi đã thấy một huyện đảo đang đi lên như một chiến hạm đang rẽ sóng vững chắc ra khơi.

Khi chia tay hòn đảo, bên tai tôi vẫn văng vẳng giọng ca của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung trong bài hát của nhạc sĩ Huy Du: ... Bạch Long Vĩ đảo quê hương... quê hương của rồng trắng, quê hương của hải bào, tiếng hát em ngân càng cao...

LÊ TUẤN LỘC

(0) Bình luận
Mùa xuân sớm trên "chiến hạm không bao giờ chìm"