“Một vốn bốn lời”

02/01/2018 11:15

Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động trong quá trình làm việc đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.


Anh Nguyễn Văn Hùng đã cải tiến máy ép chín, ép viên làm lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: PV

Phải có đam mê

Đầu giờ sáng một ngày cuối tháng 12, chúng tôi đến Công ty TNHH ANT (Cẩm Giàng). Tiếng máy nổ rộn rã, những bàn tay người lao động thoăn thoắt... Anh Nguyễn Văn Hùng (Phòng Cơ điện), nhân vật chúng muốn gặp đang mải theo dõi hoạt động của các loại máy móc trong toàn nhà máy. Thấy chúng tôi đến, anh cố gắng nói to giải thích: “Phải nắm chắc nguyên lý hoạt động của các loại máy móc thì khi chúng bị hỏng hóc mới có biện pháp khắc phục, đồng thời biết được nhược điểm của chúng mới có hướng cải tiến tốt”.

Anh Hùng đã nghĩ ra cách cải tiến máy ép chín, ép viên, khắc phục sự cố máy thường xuyên bị cháy mô tơ do nghẽn nguyên liệu. Trước đây khi công ty chưa áp dụng nghiên cứu của anh Hùng, trong quá trình sản xuất máy ép hay bị rung và nghẽn nguyên liệu, dẫn đến chết máy. Công nhân trực máy thường phải mất rất nhiều thời gian thay thiết bị mới. Mặt khác, sự cố này còn tạo ra nhiều sản phẩm lỗi. Bằng kinh nghiệm của một người thợ lành nghề đã làm việc hơn 10 năm trong công ty, tham khảo thêm ý kiến của một số chuyên gia cùng lĩnh vực, anh Hùng đã tìm ra nút gỡ. Anh sử dụng biện pháp cắt ngắn trục máy ép chín và lắp thêm van xả tự động của máy ép viên. Với thay đổi này, những hạn chế trước đây được khắc phục đáng kể, tần suất máy hỏng giảm xuống nhiều.

Ở Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) ai cũng nể phục anh Nguyễn Văn Mừng, công nhân Tổ Cơ điện vì khả năng sáng tạo của anh. Một trong những sáng kiến của anh đang được áp dụng rộng rãi trong toàn công ty là thiết bị làm sạch cốc nhựa. Khi công ty có chủ trương nghiên cứu biện pháp làm sạch cốc nhựa trước khi chiết rót nguyên liệu đã nấu chín, anh Mừng không ngần ngại nhận làm chủ đề tài. Để công việc được thực hiện nhanh và thuận lợi, anh đề xuất thêm 2 người nữa cùng làm. Bước đầu, anh Mừng hướng dẫn cho các thành viên trong đội sử dụng các thiết bị cũ trong công ty để lắp ráp thành hệ thống thổi khí dư vào trong lòng cốc nhựa. Sau đó cho một luồng khí thổi ngang bên trên để các vật thể bay dạt ra ngoài. Nghe thì đơn giản vậy nhưng từ lúc hình thành ý tưởng và hoàn thành thiết bị, anh Mừng và các đồng nghiệp của mình phải mất 3 tháng trời mày mò, thử nghiệm mới thành công. Trong quá trình thử nghiệm, nhiều lần thiết bị thổi khí bị lỗi nhưng các anh vẫn quyết tâm sửa chữa, làm đến cùng.

"Mình là người lao động phải gắn bó với công việc, không chỉ coi công việc là cần câu cơm mà phải có lòng đam mê. Từ đó tận tâm tận lực để hoàn thành những việc được giao thì ắt sẽ thành công", anh Mừng chia sẻ về "bí quyết" thành công khi chúng tôi hỏi anh.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Chi phí doanh nghiệp đầu tư cho quá trình nghiên cứu sáng kiến như của anh Hùng, anh Mừng không quá tốn kém mà lại mang lại hiệu quả cao, lâu dài. Sáng kiến của anh Mừng sau khi đi vào hoạt động đã giúp công ty loại bỏ đến 80% trong tổng số hơn 20.000 sản phẩm bị lỗi hằng năm do không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong khi chi phí thực hiện chỉ vài triệu đồng do sử dụng lại nhiều thiết bị cũ, sẵn có trong công ty. Đánh giá cao hiệu quả của đề tài, Công ty TNHH Long Hải đã khen thưởng anh Mừng và những người phụ giúp 35 triệu đồng.

Sáng kiến cải tiến máy ép chín, ép viên của anh Hùng cũng không quá tốn kém. Anh Hùng đã khéo léo thay thế tất cả những thiết bị gia công mới bằng hàng sản xuất sẵn có trong nước nên chi phí đầu tư cho sáng kiến trên chỉ khoảng 66 triệu đồng, nhưng đã làm lợi hơn 500 triệu đồng/năm cho công ty. Ngoài ra, nhờ cải tiến của anh Hùng, sản phẩm đẹp mắt hơn, đồng thời giảm sức lao động của công nhân vận hành, hạn chế tai nạn lao động trong khâu sản xuất này.

Sáng kiến với tên gọi “cải tiến lỗ đinh trên sản phẩm ngói lợp” của anh Đặng Sỹ Thái ở Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc (Cẩm Giàng) còn có giá trị làm lợi "khủng" hơn nhiều. Chỉ bằng việc cải tiến vị trí thoát phối, cải tiến cơ cấu đục lỗ đinh, tạo ra hành trình của chi tiết đục lỗ đinh lớn hơn thiết kế ban đầu, bảo đảm xuyên thủng được toàn bộ phần thân của ngói, anh Sỹ đã giúp công ty không phải nhập khẩu thiết bị tương tự từ nước ngoài với giá khoảng 20 tỷ đồng mà vẫn tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Sáng kiến này làm lợi đến 3,68 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy đầu tư cho công nhân, lao động phát huy sáng kiến là việc làm "một vốn bốn lời". Thời gian sản xuất càng dài, quy mô sản xuất càng lớn thì giá trị thu lợi từ sáng kiến của người lao động càng tăng lên theo cấp số nhân. Chính vì vậy, 5 năm qua, các cấp công đoàn đã chú trọng kết hợp với chủ sử dụng lao động triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong 5 năm 2012 - 2017, ở Hải Dương có 21.132 lượt công nhân, cán bộ sản xuất trực tiếp trong doanh nghiệp đề xuất các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến hữu ích được doanh nghiệp áp dụng rộng rãi. Những đề tài sáng kiến của người lao động trong toàn tỉnh đã làm lợi khoảng 900 tỷ đồng.
THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Một vốn bốn lời”