Thực tiễn cho thấy bài vở, ôn tập, các kỳ thi vẫn luôn là áp lực thường xuyên đối với học sinh hiện nay.
Học sinh các cấp trong tỉnh vừa hoàn thành kiểm tra học kỳ 1. Con tôi học tiểu học tại một trường công ở TP Hải Dương. Cháu thường gọi các kỳ kiểm tra là kỳ thi và tỏ ra căng thẳng khi đến gần. Dịp nghỉ Tết dương lịch 2023 vừa qua đúng vào thời gian các cháu đang tập trung ôn tập cho kỳ kiểm tra. Chính vì vậy, thay vì được nghỉ ngơi 3 ngày như người lớn, cháu phải dồn sức làm gần chục đề cương kiểm tra mà cô giáo giao. Được nghỉ Tết nhưng lại phải học nhiều hơn bình thường, dù cố gắng làm cho hết bài được giao nhưng cháu cũng tỏ ra khó chịu, bực bội. Khối lượng học tập lớn nhưng chất lượng học của cháu cũng đáng bàn, có biểu hiện học tủ, học vẹt để đối phó với kỳ kiểm tra. Xem 1 câu hỏi trong đề cương của cháu, tôi hỏi thử cháu câu hỏi về những nguy cơ khi bị béo phì. Cháu trả lời một số bệnh có thể mắc phải như huyết áp, tim mạch... Nhưng khi tôi bổ sung thêm béo phì có nguy cơ bị bệnh xương khớp thì cháu kiên quyết phủ định vì không có trong đáp án được giáo viên hướng dẫn.
Ảnh minh họa
Không chỉ riêng với con tôi, thực tiễn cho thấy bài vở, ôn tập, các kỳ thi vẫn luôn là áp lực thường xuyên đối với học sinh hiện nay. Cuối tháng 12.2022, tọa đàm "Xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên" được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những con số rất đáng báo động. Theo đó, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã khảo sát sàng lọc về tình trạng sức khỏe tinh thần của hơn 8.500 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Qua khảo sát có 1.117 học sinh (12,92%) cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.952 học sinh (22,58%) trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng. Trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh stress, lo âu, học sinh trầm cảm thì nguyên nhân đứng đầu là do bị áp lực bài vở, ôn tập, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập.
Ở Hải Dương, dù chưa có những khảo sát, số liệu cụ thể về vấn đề trên nhưng cũng xảy ra không ít trường hợp đau lòng khi học sinh không chịu được áp lực từ học tập cộng hưởng với những áp lực từ gia đình, lứa tuổi. Năm 2020, một nhóm học sinh ở Trường THPT Bình Giang còn tự thực hiện bộ ảnh nói về áp lực từ việc học hành căng thẳng, điểm số, thi cử hay việc lựa chọn ngành nghề và sự so sánh của các bậc cha mẹ với “con nhà người ta”... với mong muốn được thầy cô, cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Cách đây vài ngày, tôi và nhiều cha mẹ học sinh cũng khá bất ngờ với buổi họp phụ huynh giữa năm học ở lớp con tôi. Hầu hết thời gian cuộc họp là để giáo viên chủ nhiệm thông tin, phân tích về điểm số học tập của các cháu mà không rõ cháu ở lớp có ngoan hay không, có sở trường, sở thích hay hạn chế gì; tương tác với giáo viên, quan hệ với bạn bè... ra sao.
Việc quá chú trọng vào thành tích, điểm số học tập mà chưa quan tâm thoả đáng đến đời sống tinh thần, các kỹ năng khác rất dễ khiến học sinh trở nên máy móc, thiếu sáng tạo, thiếu toàn diện khi lớn lên. Hậu quả của tình trạng này đã được chỉ ra từ lâu, rất nhiều và việc khắc phục có lẽ cũng sẽ khó có thể trong một sớm, một chiều. Chỉ mong trong 10 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 này, học sinh, nhất là ở cấp tiểu học sẽ không có quá nhiều bài tập để các cháu được vui Tết cổ truyền một cách trọn vẹn, ý nghĩa.
HOÀNG LONG