Cùng là hướng dẫn, góp ý, nhưng các nhà văn, nhà thơ có phong cách khác hẳn nhau: Vũ Quần Phương khéo léo, ít khi trực diện; Đỗ Chu bộc trực.
Cùng là hướng dẫn, góp ý, nhưng các nhà văn, nhà thơ có phong cách khác hẳn nhau: Vũ Quần Phương khéo léo, ít khi trực diện; Đỗ Chu bộc trực.
Tôi được nhiều lần gặp và nghe nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về thơ. Ông có cách nói vòng vo rất khéo, ít làm mất lòng người được góp ý, nhất là những khi gặp phải góp ý… chê!
Ví dụ có lần Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum mời ông về phụ đạo một khóa nâng cao chất lượng sáng tác cho anh chị em hội viên thuộc mảng văn học. Cuối khóa, anh em nộp một số tác phẩm để ông đọc, góp ý.
Khi phân tích đến tác phẩm của tác giả thơ X.H., Vũ Quần Phương nói: “Tôi có cảm nghĩ anh em ở Kon Tum làm thơ thì hay mà tính toán kinh tế thì e hơi bị… dở!”.
Cả lớp chưa hiểu mô tê gì, cứ ngẩn người dỏng tai chờ đợi. Đoạn ông tiếp: “Anh em dư biết tiền nhuận bút của hai bài thơ thì chắc chắn nhiều hơn nhuận bút một bài. Thế mà anh H. lại lồng hai bài thơ vào thành một, phí quá! Ví như bài… ba khổ đầu tự thân nó đã là một bài thơ hoàn chỉnh. Ba khổ còn lại gia cố thêm một tí cho ra cái mở đầu thì sẽ được một bài khác nữa. Anh đọc lại, ngẫm nghĩ kỹ thử xem”. Quả vậy thật, anh H. không cãi vào đâu được.
Khác với Vũ Quần Phương, nhà văn Đỗ Chu lại có cách nói thẳng tuột ruột ngựa! Ở một trại sáng tác, ban tổ chức mời ông về phụ đạo tổ truyện ngắn. Một hôm anh em trại viên đang túm tụm tán gẫu thì nhà văn Đỗ Chu đến. Chưa ai kịp chào, ông hỏi độp ngay: “Ai là N. B. T?”. Anh bạn tên T. vội đáp: “Dạ thưa, tôi đây ạ!”. Đỗ Chu nói ngay: “Anh vào đây tôi bảo!”.
Nhà văn bước sải vào phòng, móc trong bụng áo (vì hôm ấy trời mưa, phải để thế cho khỏi ướt) xấp bản thảo hai truyện ngắn của T. vứt đánh uỵch lên bàn và xổ liền một tràng (đại ý): “Tại sao truyện này anh để cho A. nó chết? A. chết thì còn cóc gì để phải nói, phải viết nữa! Còn truyện này tại sao anh không cho B. lấy C.? Chúng nó mà không lấy nhau thì còn gì cho ra chuyện nữa?... Viết thế này một đêm tôi viết mười cái!”.
Tội nghiệp cho T. cứ mà há hốc mồm nghe thầy nói. Sau một thôi một hồi “lên lớp”, bất ngờ ông dõng dạc tuyên bố: “Thôi, bây giờ tao mời tất cả về nhà tao cơm trưa. Tao đã bảo nhà chuẩn bị cả rồi!”.
HD (st)